Thương vụ Vingroup và Masan: Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ nội

Vinh Phú - Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương vụ mua bán, sáp nhập giữa Vinmart và VinEco với Masan được giới chuyên gia đánh giá là sẽ góp phần xây dựng hệ thống bán lẻ Việt Nam đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài, khẳng định vị thế DN bán lẻ Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế.

Phép cộng giúp tăng năng lực bán lẻ Việt
Việc Vingroup và Masan sáp nhập hệ thống bán lẻ là một phép cộng đẹp giữa các DN bán lẻ Việt Nam. Vingroup được biết đến là một tập đoàn mạnh về bất động sản, công nghiệp và bán lẻ, trong đó nhiều năm gần đây mảng bán lẻ đã phát triển nhanh chóng với 2.600 siêu thị và cửa hàng tự chọn trên thị trường Việt Nam.
Mặt khác, Vingroup còn tập trung cho VinEco sản xuất rau quả sạch để cung cấp cho chuỗi bán lẻ của mình. Tập đoàn này gần đây đã công bố việc chuyển hướng để trở thành một tập đoàn công nghiệp, công nghệ thương mại dịch vụ. Với định hướng trên thì việc họ nhường mặt trận bán lẻ và sản xuất nông nghiệp sạch cho Masan là một điều tất yếu, đó là một cách để Vingroup tránh đầu tư dàn trải mà tập trung vào những mặt trận cốt lõi của mình trong những năm tới.
 Người tiêu dùng mua hàng tại hệ thống siêu thị Vinmart. Ảnh: Thu Hương
Còn đối với Masan, với tư cách là một tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam hiện nay, lại đầu tư mạnh mẽ thêm vào lĩnh vực chăn nuôi sạch như Meat Deli thì việc tiếp thu mạng lưới rộng lớn của Vingroup sẽ tạo thế vững chắc cho việc sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Sự cộng tác giữa các DN Việt để tạo thành sức mạnh tổng hợp là một điều rất đáng khích lệ trong hoàn cảnh hiện nay nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Phép cộng giữa Vingroup và Masan được nhận định sẽ đem lại nhiều cái lợi khi có thêm những tập đoàn phân phối mạnh, đủ sức để dẫn dắt thị trường bán lẻ trước làn sóng sáp nhập diễn ra phổ biến thời gian qua.
Đón làn sóng cạnh tranh
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Trong những năm tới, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có quy mô lên đến 180 tỷ USD. “Với tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng lớn trên tổng GDP, thì đầu tư vào bán lẻ chính là đầu tư vào tương lai nền kinh tế tại Việt Nam” - báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS nhận định.
Với tiềm năng lớn nên thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt Nam liên tục được DN FDI khai thác. Thực tế cho thấy, trên thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều DN FDI đầu tư phát triển hệ thống siêu thị như Central Group (Thái Lan) với chuỗi siêu thị BigC; Aeon (Nhật Bản) với chuỗi Aeon Mall; Lotte (Hàn Quốc) với Lotte Mart… Dự kiến trong những năm tới, những tên tuổi lớn như Amazon, Walmart (Mỹ), Carrefour (Pháp), Alibaba (Trung Quốc)… cũng sẽ đầu tư khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam, đến lúc đó rất có thể sản phẩm Việt phải đối mặt với việc bị DN FDI từ chối tiêu thụ.
Đơn cử sự vụ hàng may mặc của Việt Nam bị đẩy ra khỏi hệ thống BigC khi chuỗi siêu thị này về tay người Thái. Chỉ khi sự việc bùng lên cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý, BigC mới "xuống nước” chấp nhận tiêu thụ hàng dệt may Việt Nam.
Đánh giá về sự kiện 2 hệ thống bán lẻ Việt Nam bắt tay về cùng nhau, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan nêu rõ, sự kiện này minh chứng một thực tế rằng, các DN bán lẻ nội đã và đang vươn lên, không ngại bất cứ đối thủ nước ngoài nào.
“Với gương mặt mới này, chúng ta có thể kỳ vọng vào một nhà bán lẻ hùng mạnh, đủ sức cạnh tranh với DN FDI” - bà Loan nói. Đồng tình với nhận định này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, nếu DN Việt mất thị trường bán lẻ sẽ mất cả sản xuất và khả năng đi làm thuê cho DN FDI là điều tất yếu. Việc nhượng quyền giữa 2 DN bán lẻ Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho hàng Việt được phân phối rộng khắp, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Việc sáp nhập này cũng là tín hiệu tốt tạo đà cho ngành bán lẻ trong nước bứt phá trong thời gian tới.

"Việc sáp nhập, nhượng quyền hệ thống bán lẻ Vinmart cho Masan là thương vụ nên khuyến khích, vì hiện nay các DN Việt Nam khá khép kín, rời rạc nên mua bán, sáp nhập DN (M&A) tạo thành DN lớn là rất cần thiết. Việc Vinmart nhượng quyền bán lẻ cho Masan sẽ giúp DN không phải đầu tư vào xây dựng hệ thống, khai thác được lượng khách có sẵn. Ngoài ra, Masan lại sản xuất hàng tiêu dùng nên sở hữu hệ thống bán lẻ sẽ giúp DN Việt khỏe lên, hàng Việt lưu thông tốt hơn." - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong