Thuyết phục được Iran, OPEC nâng sản lượng "danh nghĩa” từ tháng 7

Nguyễn Phương (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh đồng ý nâng một mức sản lượng "danh nghĩa" là 1 triệu thùng/ngày sau khi Ả Rập Saudi thuyết phục được Iran tham gia.

Tại cuộc họp về chính sách năng lượng của các thành viên trong và ngoài OPEC tại Vienna (Áo) ngày 22/6, Ả Rập Saudi muốn đạt được thỏa thuận tăng sản lượng để đáp ứng lời kêu gọi của các khách hàng tiêu thụ dầu nhiều như Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.
 Nhóm OPEC+ nhất trí bơm thêm 1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên Iran và các thành viên khác như Iraq, Venezuela, phản đối giảm sản lượng, cho rằng việc này có thể khiến dầu mất giá. Dù vậy, Ả Rập Saudi đã thuyết phục được Iran.
Theo thỏa thuận mới, các nước sẽ tăng sản lượng dầu lên thêm 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% sản lượng dầu toàn cầu, từ tháng 7 tới.
Thỏa thuận trên là một chiến thắng đối với Ả Rập Saudi và Nga, hai quốc gia đã kêu gọi nâng sản lượng nhằm xoa dịu giá dầu trong gần 1 tháng quan. Ngoài ra, đây cũng là thành công của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã chỉ trích OPEC vì đã đẩy giá dầu lên cao một cách giả tạo.
“Mong là OPEC sẽ nâng sản lượng đáng kể”, ông Trump viết trên Twitter sau khi cuộc họp chấm dứt. “Cần phải kéo giá dầu xuống!”.
Trên thực tế, một số bộ trưởng năng lượng cho biết thỏa thuận sẽ chỉ tăng  thêm khoảng 700.000 thùng/ngày cho thị trường toàn cầu vì có một số quốc gia không thể nâng sản lượng của họ.
“Hy vọng ở đây là thỏa thuận này đủ để giữ giá dầu dưới mốc 70 USD/thùng, mặc dù Ả Rập Saudi và các thành viên khác đang tập trung vào nguồn cung và nhu cầu thay vì là mục tiêu giá”, một đại diện của OPEC cho biết.
Thông cáo công bố không đề cập tới mức nâng sản lượng cụ thể từ Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih, thay vào đó chỉ cam kết nhóm sản xuất dầu sẽ tập trung vào việc khôi phục thỏa thuận cắt giảm sản lượng về lại mức đã nhất trí lúc đầu trong năm 2016.
Từ đầu năm 2017, việc cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng dầu của OPEC và các nước xuất khẩu dầu ngoài khối đã góp phân đẩy giá dầu lên 80 USD/thùng hiện nay so với 27 USD/thùng vào 2016.
Theo thông cáo cuối cùng, 14 nước thành viên OPEC và 10 nước phi thành viên sẽ cố gắng đạt được sự “hòa hợp tổng thể” là 100%. Trên thực tế, điều này chỉ có thể đạt được khi các quốc gia có công suất dư thừa khỏa lấp khoảng trống mà các quốc gia khác để lại.
“Sự thiếu cụ thể về sản lượng chính là yếu tố thúc đẩy giá”, Joe McMonigle, chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao tại Hedgeye Risk Management, cho hay.
Tuy nhiên Iran cho biết con số thực sự có thể chỉ đạt 770.000 thùng/ngày do nhiều nước không thể đáp ứng được hạn mức. Một số nước như Venezuela, Libya và Angola trong vài tháng qua thậm chí bị giảm sản lượng xuống 2,8 triệu thùng/ngày.