Tích cực hợp tác - đầu tư để Hà Nội bứt phá

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các bộ ngành, đại diện các địa phương, DN trong và ngoài nước, tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” sáng 17/6, TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn tương đương hơn 17 tỷ USD. Với kết quả này, Hà Nội vượt lên đứng thứ nhất cả nước trong năm nay về thu hút FDI.

 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao cờ thi đua của TP cho các doanh nghiệp. Ảnh Phạm Hùng

Sẵn sàng kết nối, hỗ trợ với Hà Nội
Tại Hội nghị, các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành như: Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang… và các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư (NĐT) trong ngoài nước đã được ký kết. Đồng thời các bên cam kết sẽ tiếp tục đóng góp mạnh mẽ hơn cho quá trình hợp tác đầu tư và phát triển của Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết, với vai trò cửa ngõ Hà Nội và vùng kinh tế phía Bắc, có cảng biển lớn nhất miền Bắc, một đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt và đường hàng không trong nước và quốc tế, Hải Phòng cũng là cửa chính ra biển của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trên "hai hành lang – một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc". “Hải Phòng mong muốn tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò với Hà Nội nói riêng và cả vùng kinh tế Bắc Bộ nói chung. “Mỗi địa phương phía Bắc là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh tổng thể của vùng, và Hải Phòng là một mảnh ghép có thể bổ trợ hoàn hảo cho Hà Nội và các địa phương”- Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cam kết.

Là vùng đất có bề dày lịch sử truyền thống văn hiến lâu đời, Ninh Bình đã đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nhất là Hà Nội để phát triển bền vững hơn. Ông Đinh Chung Phụng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình chia sẻ, năm 2017, tỉnh đón trên 7,5 triệu lượt khách du lịch; 5 tháng đầu năm 2018 đón 4,5 triệu lượt khách. Năm 2020 Ninh Bình được Chính phủ cho phép tổ chức Năm du lịch quốc gia, Ninh Bình rất mong TP Hà Nội hợp tác để phát triển du lịch bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch khai thác hiệu quả đặc trưng tạo ra sản phẩm đa dạng để tạo chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy mong muốn, ngoài đường bộ, cần đầu tư kết nối, các phương thức vận tải khác và Hà Nội cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ các tỉnh trong vùng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng.

DN dồn sức vì Thủ đô

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra những thách thức mà Hà Nội đang phải đối mặt, đó là: Áp lực gia tăng dân số, quá tải cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường một số nơi. Để giải quyết những thách thức này, Hà Nội cần phối hợp với các địa phương trong vùng dịch chuyển lao động ra các vùng lân cận nhằm giảm ách tắc cho Thủ đô. Xây dựng cơ chế liên kết tạo hành lang, trong đó DN là trung tâm, cần nhấn mạnh vai trò của DN trong thúc đẩy liên kết vùng.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi cấu trúc và tạo cơ hội cho các đô thị. Đây vừa là cơ hội và thách thức lớn trong quá trình phát triển sắp tới. Bộ KH&ĐT cam kết cùng các bộ, ngành khác sẽ đẩy mạnh hỗ trợ Hà Nội và các địa phương trong vùng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh đưa Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là TP xanh, sạch, đẹp, hiện đại văn minh. 
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Lãnh đạo Tập đoàn Sumitomo chia sẻ: “Tập đoàn Sumitomo đã xác định việc phát triển cơ sở hạ tầng xã hội là một trong những lĩnh vực quan trọng của tập đoàn trong việc đầu tư tại Hà Nội. Trong thời gian qua, đã nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành từ T.Ư tới TP Hà Nội trong việc phát triển dự án TP Thông minh”.

Công ty Cổ phần nước AquaOne cho biết, công ty vinh dự được UBND TP Hà Nội trao quyết định đầu tư dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống, cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu dân vùng Đông Bắc, Đông Nam của Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận Hưng Yên, Bắc Ninh. Công ty cam kết sẽ cung cấp nguồn nước sạch bảo đảm chất lượng nghiêm ngặt, có thể uống tại vòi theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, Công ty cũng cam kết sẽ thực hiện dự án đúng tiến độ, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân và lãnh đạo TP.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty CP hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định, Hà Nội là thị trường trọng điểm của hãng. Từ Hà Nội, mỗi ngày Vietjet khai thác trên 80 chuyến bay đi và đến từ các đường bay nội địa và quốc tế. Năm 2017, trong tổng số 17 triệu lượt khách vận chuyển của hãng, có hơn 6 triệu lượt khách đi và đến Hà Nội. Bà Thảo cũng khẳng định sẵn sàng tham gia tài trợ các dự án đầu tư của UBND TP Hà Nội và cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi cho các khách hàng là các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư trên địa bàn TP.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp đoàn đại biểu Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG. Ảnh Phạm Hùng

“Hà Nội không vội, không xong”

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vui mừng cho biết, Hà Nội đã đề xuất đưa ra Kỳ họp thứ 6 HĐND TP họp vào đầu tháng 7/2018 thông qua, để từ ngày 1/8/2018, Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập DN. "Khi thành lập DN bạn chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng. Toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh về đến tận nhà của bạn" - Chủ tịchUBND TP Hà Nội chia sẻ.

Đánh giá cao quy mô của Hội nghị với sự tham dự của nhiều tập đoàn nước ngoài và trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận con số hơn 17 tỷ USD đạt được tại Hội nghị là một cố gắng rất lớn của Hà Nội. Thủ tướng nhắc lại, trong Hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội năm 2017, ông đã nói rằng để thu hút được nhiều NĐT, lôi cuốn những ý tưởng xuất sắc và tầng lớp tinh hoa đến với Hà Nội, chính quyền Hà Nội phải hành động hiệu quả mỗi ngày, có phương thức kết nối, đồng hành, động viên toàn diện sự tham gia sâu sắc của người dân, DN trong nước và quốc tế vào mục tiêu chung về một Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bản sắc, hướng tới một TP toàn cầu, một Thủ đô có vị thế nổi bật trong lòng cộng đồng ASEAN.

Thủ tướng đánh giá, Hà Nội đã có kết quả tốt trong xây dựng Chính phủ điện tử, tỷ lệ DN đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Kê khai thuế điện tử đạt 98%, hải quan điện tử đạt 100% và đang hướng tới một nền hành chính phi giấy tờ. "Sắp hết câu: "Hà Nội không vội được đâu" và thay vào đó là "Hà Nội không vội không xong” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Để hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một đô thị sáng tạo, văn minh, hiện đại, nhưng không mất đi giá trị văn hóa đặc sắc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, theo Thủ tướng, Hà Nội cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới với chính sách đột phá, bền vững trong dài hạn. Thủ tướng lấy dẫn chứng về sự phát triển của Cầu Giấy mà cách đây vài chục năm còn là huyện rất nghèo để khẳng định: "Hà Nội cần phóng tầm nhìn đến những khu vực tiềm năng, những quận, huyện mới", đồng thời yêu cầu Hà Nội cần đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, kỹ thuật, hạ tầng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần