Triển khai trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình: Phải tuyên truyền để dân hiểu

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã có cuộc làm việc với UBND huyện Mỹ Đức về công tác y tế cơ sở và kiểm tra trạm y tế (TYT) hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mỹ Đức Trần Văn Mười cho biết, trong tháng 9 và tháng 10/2019, TTYT huyện Mỹ Đức đã khai trương và đưa vào hoạt động 5 TYT xã theo mô hình nguyên lý y học gia đình. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các TYT đã được bổ sung danh mục thuốc, bảo đảm phục vụ cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là các bệnh lý đường hô hấp, bệnh lý không lây nhiễm và mạn tính. Về quản lý hồ sơ sức khoẻ, tại các TYT này đã có 40.117/41.926 người đã được lập phiếu quản lý sức khoẻ (đạt 95,7%). Tuy nhiên, việc cập nhật các lần khám chữa bệnh vào phần mềm quản lý chưa bảo đảm do hiện nay các phần mềm chưa liên thông. Bên cạnh đó, so với trước khi triển khai mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, số lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh tại 5 TYT này không thay đổi, thậm chí tăng lên không đáng kể.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc làm việc với huyện Mỹ Đức.
Đơn cử, tại TYT xã Phùng Xá, trước và sau khi triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, trung bình số lượt khám chữa bệnh tại đây là 1,3 lượt người/ngày. Còn tại TYT xã Đại Nghĩa, sau khi triển khai mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, trung bình số lượt người đến khám, chữa bệnh tăng lên từ 2,6 lượt người/ngày đến 2,8 lượt người/ngày; tại TYT xã An Phú tăng từ 1,54 người/ngày lên 1,6 lượt người/ngày…
Cũng theo Giám đốc TTYT huyện Mỹ Đức, mặc dù các TYT đã được phê duyệt danh mục kỹ thuật, được bảo hiểm xã hội thanh toán nhưng số lượng các chuyên khoa được phê duyệt rất ít (từ 6-7 chuyên khoa). Chính vì không được thanh toán BHYT cho các kỹ thuật thuộc chuyên khoa khác nên không thu hút được người dân tới khám, chữa bệnh tại TYT. Ngoài ra, tại các TYT thiếu nhân lực để đáp ứng đầy đủ nhân lực theo yêu cầu triển khai TYT theo nguyên lý y học gia đình...
 Đoàn công tác của TP làm việc với trạm y tế xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức.
Sau buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã trực tiếp kiểm tra 2 TYT xã Lê Thanh và xã Phùng Xá. Đây là hai trong 5 TYT được huyện Mỹ Đức chọn làm điểm thực hiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình.
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đang tập trung vào 3 mũi nhọn, đó là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện; làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh và tập trung triển khai y tế cơ sở. Riêng với y tế cơ sở, TP đang tập trung nâng cao chất lượng các TYT xã hoạt động theo mô hình nguyên lý y học gia đình. Mục tiêu TP đặt ra, có tối thiểu 45% số TYT trên địa bàn TP triển khai mô hình này trong năm 2019; đến năm 2020 đạt 80% và năm 2021 đạt 100%.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển mô hình TYT xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Cụ thể, cơ sở vật chất các trạm TYT về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, hiện còn 3/5 TYT xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình còn thiếu bác sĩ đông y. Mặt khác, tại các TYT xã chưa phối hợp với các bác sĩ của các bệnh viện tuyến T.Ư, TP và tuyến huyện về khám, chữa bệnh định kỳ cho người dân.
 Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại trạm y tế xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức.
Điều đáng nói, tại nhiều địa phương, các TYT sau khi triển khai mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đã thu hút rất đông người dân đến đây khám, chữa bệnh.
Còn 5 TYT xã của huyện Mỹ Đức sau khi triển khai mô hình này, lượng người đến khám, chữa bệnh tăng không nhiều, thậm chí, có trạm không tăng. “Đó là do huyện chưa sâu sát, chưa tích cực triển khai thực hiện mô hình này. Nếu chúng ta không quyết liệt thì mô hình này sẽ thất bại”- Phó Chủ tịch thẳng thắn nêu.
Qua đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, thời gian tới, TTYT huyện Mỹ Đức cần tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, đồng thời xây dựng một kế hoạch triển khai bài bản. Khi bắt tay vào triển khai, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, TTYT huyện và các TYT xã cần đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế để khắc phục. Thậm chí, các TYT xã cần có sự trợ giúp, phối hợp tốt với các bệnh viện tuyến huyện xung quanh để nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời giúp bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần