Tiềm ẩn nhiều mối nguy hại
Thời điểm này đang vào cuối vụ lúa mùa, nhiều hộ nông dân ở các huyện ven các tỉnh lộ thu hoạch lúa ở ruộng thường đặt luôn máy tuốt ven đường giao thông. Việc người dân tuốt lúa bên đường giao thông đã cản trở các phương tiện qua lại, tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ tràn lan còn gây tiềm ẩn nhiều mối nguy hại.
Đốt rơm dưới chân cột điện ven Quốc lộ 21B, thuộc thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa. ( Ảnh chụp chiều 4/10)
Trên địa bàn huyện Ứng Hòa tại các xã như: Phương Tú, Trung Tú, Hoa Sơn, Trường Thịnh… người dân không chỉ đốt rơm ven vệ đường, mà còn đốt ngay trên mặt đường nhựa, các tuyến tỉnh lộ 429, 73, 74. Rơm cháy lâu, âm ỉ làm ảnh hưởng đến kết cấu của nền đường, làm chảy nhựa, bong tróc mặt đường. Lượng khói của nhiều đống rơm, rạ cùng đốt, bốc lên mù mịt, khiến môi trường bị ô nhiễm, ngột ngạt không chỉ các gia đình sống gần đó. Liên tiếp mấy năm qua, trong nội thành Hà Nội cũng đã có hiện tượng bị khói bao phủ. Khói do đốt rơm rạ cản trở tầm nhìn các phương tiện tham gia giao thông, nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Cao Thành (Ứng Hòa) Nguyễn Trọng Tiến cho biết: "Những năm trước, người dân đốt rơm rạ ngay trong khu dân cư, ven tỉnh lộ 429 gây ô nhiễm môi trường xảy ra ùn tắc, cản trở, TNGT. Nhận thấy những nguy hại đó, ngày 21/9/2012, UBND xã đã có thông báo số 34/TB-UBND về việc nghiêm cấm người dân đốt rơm trên trục đường tỉnh lộ, đường liên thôn, đường làng. Công tác tuyên truyền từ gián tiếp đến trực tiếp đã được địa phương triển khai với quyết tâm rất cao nên vụ mùa này, người dân đã có những thay đổi không tùy tiện đốt rơm rạ như trước kia. Đã có 100% các hộ dân không đốt rơm rạ trong khu dân cư, không đốt trên đường tỉnh lộ 429 như trước đây mà tập trung đốt tại địa phương những nơi đã bố trí san ủi tạo mặt bằng".
Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông huyện Ứng Hòa, Ngô Văn Dự cho rằng: "Đầu tháng 4/2012 khi người dân chuẩn bị gặt vụ chiêm xuân sớm, UBND huyện Ứng Hòa đã có văn bản chỉ đạo Đội Thanh tra giao thông, Công an huyện phối hợp cùng UBND 29 xã, thị trấn có biện pháp tuyên truyền, xử lý các trường hợp cố tình đốt rơm rạ trên các tuyến đường. Từ đó đến nay, chúng tôi đã áp dụng biện pháp tuyên truyền, giải thích, vận động người dân. Nhưng cuối tháng 9/2012, khi người dân bắt đầu vào gặt vụ lúa mùa, nhiều hộ dân lại vẫn đốt rơm ven tỉnh 492, 73 và 74, gây khói mù mịt, hư hỏng đường. Những năm trước, tại các tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT do ảnh hưởng từ khói đốt rơm. Năm nay, mặc dù chưa xảy ra TNGT do khói đốt rơm, nhưng hiệu quả từ việc tuyên truyền của các địa phương vẫn chưa cao. Do đó, tình trạng đốt rơm ven quốc lộ, tỉnh lộ vẫn xảy ra. Vừa qua, chúng tôi đã phải sử dụng xe phun nước để dập tắt các đống rơm đang bùng cháy ven các tuyến đường".
Để giảm bớt ảnh hưởng của việc đốt rơm rạ với môi trường, giảm nguy cơ TNGT, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại do đốt rơm gây ra. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào đời sống để giúp người dân xử lý tốt rơm rạ "sạch sẽ" sau thu hoạch vừa đem lại lợi ích về kinh tế, sức khỏe và môi trường. Bởi, nếu không có cách xử lý "sạch" thì dù chính quyền có tạo bãi đốt tập trung như xã Cao Thành, Ứng Hòa cũng vẫn gây hậu quả không tốt cho sức khỏe và môi trường. Đặc biệt, trong điều kiện những biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày một khắc nghiệt như hiện nay.