Tiền chồng, tiền vợ

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gặp lại cô bạn sau ngày cưới, câu đầu tiên cả đám cùng hỏi: “Nhà mày ai giữ tiền?”. Câu hỏi tưởng chừng khá vô duyên nhưng lại vô cùng thực tế trong mỗi gia đình.

Vấn đề tài chính, mỗi gia đình sẽ có các quản lý riêng, dĩ nhiên ngày nay không có quy luật nào buộc đàn ông hay phụ nữ phải là người giữ tiền chung của gia đình. Ai có có khả năng quản lý tài chính tốt thì người đó sẽ quản lý, hoặc cũng có thể cả hai cùng quản lý.
Như gia đình tôi, 2 vợ chồng tôn trọng nhau nên không bao giờ hỏi thu nhập hàng tháng. Đương nhiên chúng tôi có quỹ riêng dành cho con cái và những việc chung trong gia đình hai bên. Mỗi tháng chúng tôi sẽ cùng góp tiền vào quỹ ấy số tiền bằng nhau. Việc chi tiêu lặt vặt trong gia đình tôi lo, việc lo học phí hay mua sắm những món đồ không quá nhiều tiền anh sẽ lo. Khi phát sinh món đồ giá trị lớn, 2 vợ chồng sẽ cùng bàn bạc, đa phần anh sẽ chủ động đề xuất số tiền anh có, thiếu bao nhiêu tôi sẽ bù. Trong một số lần, tôi không đủ tiền thì anh sẽ lo hết phần còn thiếu.
 Ảnh minh họa.
Nhìn cách tiêu tiền của chồng cho gia đình, dù không hỏi nhưng tôi cũng biết thu nhập của chồng không quá tệ. Còn thu nhập của tôi thì chắc chắn không bằng anh, tuy nhiên chồng tôi không quan tâm lắm đến thu nhập của tôi vì mọi việc chính trong nhà người lo vẫn là anh. Chỉ là anh muốn vợ chồng thoải mái trong chuyện tiền bạc để hạn chế mâu thuẫn. Nên nhiều khi bạn bè hỏi tôi bảo “nhà tao tiền ai nấy giữ" thì họ tỏ thái độ như kiểu “gia đình gì kỳ, tiền ai nấy giữ thì lấy nhau làm gì". Tôi kệ, miễn gia đình tôi vẫn vui vẻ hạnh phúc là được.
Còn cô bạn mới cưới thì rất tự hào khoe rằng “tao giữ tiền, lương tháng chồng làm được bao nhiêu tao cầm thẻ, mỗi tháng phát cho ít tiêu vặt thôi". Lũ bạn đứa nào cũng khen nó sướng vì được giữ tiền của chồng. Vậy mà chỉ sau 1 tháng cưới nhau, nó đã bỏ về nhà mẹ đẻ. Hỏi lý do thì chính nó cũng không biết, chỉ là dạo này chồng gần như không giao tiếp với nó, đi đâu cùng nó thì cũng lặng lẽ như một cái bóng.
Đến mãi sau 1 tuần về nhà đẻ sống, chồng nó mới gọi điện thông báo rằng “giờ tiền ai nấy giữ, em muốn làm gì tùy em, em muốn mua nhà thì cứ mua, nhưng anh không góp tiền mua. Nó giật mình, hóa ra là chuyện tiền bạc. Sau đám cưới, nó đi đâu cũng ôm khư khư số vàng có được. Chồng bảo nó gửi mẹ giữ cho, thay vì đưa mẹ chồng giữ dùm thì nó mang về nhà mẹ đẻ. Chồng muốn đổi xe, nó không cho. Đi công tác về mua quà nó cũng mang phần lớn xuống nhà đẻ.
Trước đó, nó với chồng đã thống nhất cùng nhau góp tiền để mua nhà dọn ra ở riêng cho thoải mái, chồng đã rất vui vẻ nên đưa hết tiền lương hàng tháng cho nó quản lý. Có lẽ vì nó đã quá tính toán, mới cưới nhưng chỉ biết gom tiền để giữ, khi chồng cần thì không chịu “nhả” ra và có xu hướng thiên về chăm sóc bố mẹ đẻ nhiều nên có lẽ chồng cảm thấy không tin tưởng khi giao hết tiền bạc cho nó. Giờ nó không biết phải làm sao?
Nhìn vào nhiều gia đình Việt thì chuyện phụ nữ quản lý tài chính là số đông, vì họ ít chi tiêu hoang phí và biết “tằn tiện” để lo cho con cái sau này. Nhưng điều đó không có nghĩa là quản lý quá chặt với chồng, chồng là người kiếm được nhiều tiền trong gia đình thì họ cũng có quyền được chi tiêu, được mua sắm những món đồ cho bản thân họ.
Cái chưa hay của cô bạn tôi là mới cưới chưa lâu mà đã thể hiện sự tính toán quá kỹ trong vấn đề tiền bạc, khiến người chồng cảm thấy mình không còn được làm chủ đồng tiền do chính mình kiếm ra nữa. Ngoài ra, sự chăm sóc đối với gia đình bên đẻ quá mức khiến người chồng có cảm giác tiền mình kiếm được chỉ để lo cho bên vợ. Đặc biệt, việc mang vàng cưới gửi mẹ đẻ chứng tỏ vợ không tin tưởng gia đình nhà chồng, khiến anh chồng thấy không được tôn trọng.
Người ta nói “đồng tiền liền khúc ruột” nên khi đồng tiền mình kiếm được bị người khác tiêu xài không đúng sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn. Thế nên, đã là gia đình thì điều cốt yếu đầu tiên là phải tin tưởng và tạo được niềm tin cho nhau. Khi đã yêu thương tin tưởng nhau rồi thì tiền chồng tiền vợ xét cho cùng cũng là tiền chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần