Tiến độ triển khai sách giáo khoa lớp 1: Trên chậm chạp, dưới lúng túng

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị trực tuyến được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều cán bộ quản lý tại các cơ sở đã nêu lên loạt khó khăn trong việc tiếp cận các bộ sách giáo khoa (SGK) mới. Và việc liên tiếp “gia hạn” công bố sách môn tiếng Anh lại đẩy lên làn sóng hoài nghi từ dư luận.

Một trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020. Ảnh: Thanh Tùng
Chọn sách để dạy người, không thể chớp nhoáng
Để các cơ sở giáo dục thuận lợi trong việc chọn SGK cho năm học mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và văn bản này “đáo hạn” đóng góp ý kiến vào 30/1. Điều này có nghĩa, tối thiểu từ tháng 2/2020, các cơ sở giáo dục, giáo viên, phụ huynh... mới có thể có căn cứ đúng quy định để lựa chọn SGK khi Thông tư nói trên được ban hành.
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các nhà xuất bản liên quan đến nội dung giá bán SGK. Theo đó, yêu cầu các nhà xuất bản khẩn trương thực hiện các thủ tục để kịp thời công bố giá của mỗi cuốn SGK lớp 1 đã được phê duyệt, và phải hoàn thành trước ngày 15/2. Điều này có nghĩa, nếu nói như một vị lãnh đạo ở Phòng GD&ĐT khi cương quyết “không mua chịu”, “không mua rẻ” thì tối thiểu cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, các cơ sở giáo dục mới có thể tự mua cho mình những cuốn sách để phục vụ công tác chuyên môn.
Việc thời hạn quá ngắn ngủi đã khiến không ít các giáo viên, các nhà quản lý hay các bậc phụ huynh lo ngại về chất lượng chọn sách.
Tại hội nghị trực tuyến về giới thiệu các bộ sách được Bộ GD&ĐT công bố đạt chuẩn, khá nhiều lãnh đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện và hiệu trưởng của nhiều trường đã cùng bộc lộ những lo lắng trong việc tiếp cận các bộ sách này.
Bà Nguyễn Diệu Ánh - Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, hiện giáo viên vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ 32 đầu sách do Bộ GD&ĐT phê duyệt. Bởi lẽ đó, phía Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm mong muốn sớm có các bộ sách để cho giáo viên tiếp cận, các nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho chương trình giáo dục mới đạt hiệu quả.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, đến nay mới có 2/5 bộ SGK. Trong khi đó, tại hội nghị trực tuyến về giới thiệu sách, mỗi bộ chỉ được giới thiệu vài cuốn “tiêu biểu” và bị khống chế thời gian khá chặt chẽ, bởi thế, các giáo viên hay cán bộ phòng giáo dục chỉ tiếp cận được một phần rất nhỏ. Với thực trạng này, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất đã đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội có hướng giải quyết để các cơ sở giáo dục sớm có đủ 5 bộ SGK mới.
Cũng những chia sẻ về góc độ khó khăn trong tiếp cận SGK mới, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) bày tỏ lo lắng, với thời gian quá gấp, nếu giáo viên không sớm được tiếp cận đầy đủ 5 bộ SGK thì sẽ gây ra những bất cập nhất định. Thậm chí, tại Dự thảo Thông tư việc chọn sách có cả thành phần phụ huynh học sinh, đây là những người không giảng dạy, không đủ chuyên môn để tham gia lựa chọn, và cộng với việc thời gian quá ngắn, chắc chắn sẽ tạo ra những trở ngại trong quá trình chọn sách phù hợp địa phương, cơ sở giáo dục.
Lúng túng các phương án triển khai
Trong khi chờ đợi các kiểu thủ tục được thông qua, từ việc “đáo hạn” dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách, đến việc đáo hạn công bố giá sách, hay quyết định thành lập hội đồng thẩm định tại cơ sở giáo dục trong quá trình chọn sách, các giáo viên, nhà quản lý đã tỏ vẻ lúng túng khi tiếp cận SGK.
Có một phép tính khiến không ít người giật mình khi cho rằng, nếu cấp miễn phí SGK cho các hội đồng chọn sách, mỗi nhà xuất bản sẽ phải đầu tư hơn 3 tỷ đồng, và sẽ gấp đôi nếu bao gồm cả SGK dành cho giáo viên. Và như vậy, rất khó cho một nhà xuất bản nào đó cung cấp đầy đủ bộ sách của mình cho tất cả hội đồng chọn sách ở 63 tỉnh, thành.
Trong hội nghị trực tuyến về giới thiệu các bộ SGK mới do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức cuối tháng 12/2019, đã có những ý kiến mong muốn được chia sẻ tỉ mỉ hơn cho từng cuốn SGK, từ đó, giáo viên sẽ phân tích được tính phù hợp của từng cuốn sách, bộ sách, phục vụ việc lựa chọn, giảng dạy được tốt hơn. Tuy nhiên, với quỹ thời gian eo hẹp (1 buổi sáng giới thiệu sách), nguyện vọng này chưa được đáp ứng đầy đủ.
Còn phương án “mua chịu” cũng đã được gọi tên trong hội nghị trực tuyến giới thiệu SGK lớp 1 mới do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Theo ý kiến này, phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ cung cấp sách trước cho các cơ sở giáo dục, và chờ khi công bố giá sách (đáo hạn ngày 15/2) sẽ thu tiền sau. Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải những câu hỏi về nguồn kinh phí quyết toán, mặc dù ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định “tất cả sách được Bộ thẩm định, có thể sử dụng trong nhà trường như sách tham khảo, do vậy, có thể lấy nguồn từ kinh phí cấp mua sách thư viện trường học”. Cụ thể, bà Vương Thị Minh Hải - Phó trưởng Phòng GD&ĐT Sơn Tây cho rằng, phía địa phương hay các nhà trường không có tiền mua sách để thẩm định, nếu được cho “mượn”, thẩm định xong trả thì hợp lý hơn cả. Bà Hải cũng khẳng định dứt khoát không “mua chịu” hay “mua rẻ” từ các nhà xuất bản.
Và để hài hòa các phương án, một số ý kiến từ các Phòng GD&ĐT cho rằng, có thể các nhà xuất bản thông tin các bộ sách lên mạng internet, từ đó, các giáo viên, những người liên quan trong hội đồng chọn sách có thể tiếp cận dễ dàng, vừa tiết kiệm thời gian và hàng tỷ đồng tiền in sách.
Những lần “gia hạn” đầy hoài nghi
Câu chuyện SGK môn tiếng Anh lớp 1 vẫn tiếp tục dấy lên những lo ngại, hoài nghi khi liên tiếp “gia hạn” công bố.
Ở lần công bố 5 bộ SGK lớp 1 hồi trung tuần tháng 11 năm ngoái, trong 32 cuốn sách của 8 môn học, dư luận không được chứng kiến sự xuất hiện của SGK môn tiếng Anh, dù trước đó, 6 bản mẫu SGK tiếng Anh đã được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt trong lần thẩm định đầu tiên.
Khi ấy, trả lời báo giới, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho rằng, do là bộ môn tự chọn nên sẽ công bố sau. Ngay sau đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Có ý kiến cho rằng, phải chăng có khuất tất về pháp lý từ các tác giả người nước ngoài nên Bộ GD&ĐT đã không thể công bố.
Trao đổi riêng với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho rằng, thực chất, đúng là có câu chuyện từ các tác giả người nước ngoài. Cụ thể, đó là những tác quyền, quyền tác giả của các tác giả với nhà xuất bản, các bản lý lịch tư pháp và một số giấy tờ liên quan. Cũng theo nội dung trao đổi về việc công bố SGK tiếng Anh lớp 1, hôm 23/12/2019, ông Thái Văn Tài quả quyết đã gửi 6 bộ SGK tiếng Anh lớp 1 lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và sẽ công bố trong tháng 12/2019.
Tuy nhiên, tháng 12/2019 đã trôi qua, 6 bộ SGK tiếng Anh lớp 1 vẫn ở một... nơi nào đó. Phóng viên đã tìm cách tiếp cận Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học để tiếp mạch thông tin tới độc giả nhưng đều không nhận được hồi âm.
Tại một diễn đàn có hơn 65.000 thành viên, với sự tham gia của nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh, đã có nhiều ý kiến của giáo viên thể hiện sự lo lắng trong việc quỹ thời gian không đủ thẩm thấu các cuốn sách trong 5 bộ SGK. Do đó, khó mà lựa chọn chuẩn xác bộ sách nào phù hợp với địa phương hay bộ môn do mình phụ trách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần