Tiền Giang: Doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" kêu cứu vì lệnh dừng hoạt động

Hồng Duy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp bày tỏ rằng họ đã chi rất nhiều tiền để bố trí sản xuất “3 tại chỗ”. Việc phải tạm dừng hoạt động là cú sốc đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tạm dừng sản xuất sẽ làm gãy chuỗi cung ứng, kéo theo nhiều hệ lụy...

Chiều 31/7, tại diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi thủy sản, nói về việc DN đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” ở tỉnh Tiền Giang sắp tạm dừng hoạt động để đảm bảo phòng chống dịch, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang (Công ty Vạn Đức Tiền Giang) nói rằng, công ty đã rất khó khăn mới tổ chức thành công “3 tại chỗ”.
Bà Trương Thị Lệ Khanh mong rằng tùy từng trường hợp cụ thể mà chính quyền địa phương nên cho phép DN được sản xuất với phương châm “3 tại chỗ”.
Chế biến cá tra tại một doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Duy 
Trước đó, ngày 29/7, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản quyết định tạm ưungf hoạt động DN “3 tại chỗ” ở trong khu, cụm công nghiệp để ngăn ngừa sự lây lan dịch Covid-19.
Công ty Vạn Đức Tiền Giang đã có đơn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, xin được hoạt động trở lại. Bà Trương Thị Lệ Khanh trình bày rằng, 1.200 nhân viên của công ty đã thực hiện xét nghiệm đều có kết quả âm tính để đủ điều kiện vào sản xuất tại nhà máy “3 tại chỗ”.
Với mong muốn giữ được thị trường bán hàng và góp phần cung cấp mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời kỳ dịch bùng phát, Công ty đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch tại chỗ, tổ chức phân luồng ăn - ở - sản xuất theo từng dây chuyền sản xuất để tránh lây nhiễm chéo.
Việc tổ chức này đã đạt yêu cầu theo đánh giá của Ban Quản lý các khu, cụm công nghiệp Tiền Giang. Quan trọng nhất, kết quả xét nghiệm PCR của toàn thể lao động công ty vào ngày 27/7 là âm tính. “Đây là sự nỗ lực rất lớn của toàn công ty” - bà Trương Thị Lệ Khanh nhấn mạnh.
Vì lẽ đó, khi nhận được quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tạm dừng hoạt động đối với các DN trong khu, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, bà Trương Thị Lệ Khanh cho rằng đây là cú sốc lớn cho DN chấp hành tốt chủ trương của tỉnh.
Đại diện DN cho biết, DN đã chi hàng chục tỷ đồng để bố trí sản xuất 3 tại chỗ”, nếu tạm ngưng hoạt động còn dẫn đến những thiệt hại khác nghiêm trọng hơn như: Gãy chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa do mùa thuận, cá tăng trưởng nhanh trong khi đó việc sản xuất “3 tại chỗ” chỉ đạt 50% công suất đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, nuôi và xuất khẩu.
Nếu tạm ngưng sản xuất sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng, cá nuôi giá thành trăng cao và vượt size không bán được, lãi ngân hàng, nợ quá hạn… DN phải bồi thường cho các hợp đồng siêu thị, nguy cơ mất thị trường và phá sản… DN không thể gánh nổi.
Mặt khác, người lao động cũng không thể về quê do hầu hết chưa được tiêm vắc xin và tất cả địa phương đều giãn cách xã hội. DN giữ người lao động ở lại nhà máy mà không sản xuất được sẽ xảy ra nhiều vấn đề về tâm lý, khả năng quay lại làm việc sau này là rất khó.
Ngoài ra, theo DN, thời gian này là cơ hội cho DN xử lý tồn kho tăng giá bán, nếu chúng ta tự trói mình thì là tổn thất kép, không đáng để xảy ra…
Hồi đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nói rằng sẽ trao đổi với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang để có hướng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho DN...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần