Tiền lương “rượt đuổi” mức sống tối thiểu

Trâm Anh - Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedpthi - Trong 10 năm qua (2007 - 2016), lương tối thiểu tăng ở mức 11 - 70%/năm nhưng vẫn không đảm bảo mức sống tối thiểu.

Đây là một trong những bất cập được các chuyên gia chỉ rõ tại Hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động (NSLĐ) ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 13/9.
Lương tăng vượt năng suất lao động

Báo cáo về thực trạng tăng trưởng tiền lương với NSLĐ tại Việt Nam của VEPR chỉ ra, giai đoạn 2007 – 2015, mức tăng lương tối thiểu vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Đồng thời, khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và NSLĐ ở Việt Nam đã giãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác. Cụ thể, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR phân tích, Trung Quốc có tốc độ tăng NSLĐ là 9,1%, nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ khoảng 8,8%. Tại ASEAN, Indonesia có tốc độ tăng NSLĐ 3,6% nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ 2,6%. Tại Việt Nam, tốc độ tăng NSLĐ chỉ đạt 4,4% nhưng tốc độ tăng lương trung bình đạt 5,8%. Ông Thành cho biết thêm, việc lương tối thiểu tăng cũng dẫn đến phần chi trả cho các khoản bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo thời gian.
 Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long rút tiền lương tại một cây ATM. Ảnh: Công Hùng
“Cả ba khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam là DN Nhà nước, DN tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài đều có NSLĐ thấp. Kể cả DN đầu tư nước ngoài có năng suất cao hơn 2 khu vực kia nhưng thấp hơn các nước khác mà có mức đầu tư tương quan. Đây là vấn đề chung của nền kinh tế và là mối lo số một mà trong Báo cáo Việt Nam 2035 vừa rồi do Ngân hàng Thế giới đưa ra” - chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.

Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo cho rằng, mức chênh lệch giữa tăng trưởng NSLĐ với lương tối thiểu nếu kéo dài sẽ giảm lợi nhuận của DN và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đáng ngại hơn sẽ khiến các DN thay thế máy móc bằng con người.

Thay đổi cách tính lương tối thiểu

Có một nghịch lý là dù lương tối thiểu tăng cao nhưng vẫn phải “rượt đuổi” mức sống tối thiểu. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, đã lùi tăng tiền lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu từ 2015, 2016 đến 2018 vẫn chưa đưa ra được lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu. Năm nay, mức tăng 6,5% là mức sống tối thiểu vẫn đang còn thiếu cộng thêm với CPI, GDP, NSLĐ. Nếu như tiền lương tối thiểu đủ sống thì hàng năm chỉ điều chỉnh các chỉ số còn lại, căn cứ vào GDP có lợi cho nền kinh tế và người lao động, lúc đó chỉ cần tăng 3 - 4%. “Nhóm nghiên cứu mới đánh giá về phía góc độ DN mà chưa nói nhiều đến người lao động. DN nói tăng quá cao thì không đáp ứng được nhưng Hội đồng Tiền lương quốc gia xuống các khu công nghiệp xem công nhân sống như thế nào, lương hai vợ chồng 10 triệu đồng/tháng cũng không đủ sống” - ông Chính nói.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, chất lượng cuộc sống, tương lai của công nhân lao động và gia đình họ phụ thuộc hoàn toàn vào tổng thu nhập theo tháng, đồng thời bị chi phối mạnh bởi mức lương tối thiểu vùng. “Tại sao chúng ta không tiếp cận mạnh mẽ hơn nghiên cứu cơ chế thỏa thuận. Tôi cho rằng chúng ta bỏ lương tối thiểu với công cụ là chính sách bảo trợ xã hội thì sẽ làm thay đổi thị trường lao động. Chính phủ phải bảo trợ xã hội bằng cách khác, một là tăng ngân sách bảo trợ xã hội lên, hai là tăng quỹ thất nghiệp, giảm khu vực hành chính để bớt cho lương” - ông Tuyển nêu quan điểm.

Chuyên gia Nhật Bản khuyến nghị, Việt Nam cần điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp. Mức lương tối thiểu hiện đang được tính theo tháng, nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ. Điều này đảm bảo rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày công có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động. Ngoài sự tham gia của ba bên trong Hội đồng Tiền lương quốc gia (Chính phủ, đại diện của người sử dụng lao động ở T.Ư, và đại diện của người lao động ở T.Ư), Hội đồng nên có thêm sự tham gia của các chuyên gia có chuyên môn sâu về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động, có khả năng đánh giá tác động của mức lương tối thiểu đối với việc làm, thu nhập trước và sau khi điều chỉnh lương tối thiểu. “Điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng NSLĐ. Đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn mục tiêu thúc đẩy năng suất như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn” - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo khuyến nghị.
Ước tính tác động của tăng lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên hơn với số liệu cập nhật, Chính phủ cũng có thể phát triển thêm công cụ để giám sát hiệu quả năng suất trong các ngành và khu vực kinh tế khác nhau. Đã đến lúc Việt Nam cần có một cơ quan giám sát và thúc đẩy năng suất cho toàn bộ nền kinh tế. 
TS. Futoshi Yamauchi
Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Hoa Kỳ

Tăng NSLĐ điều đầu tiên là phải tái cơ cấu nền kinh tế, nếu cứ loanh quanh mấy năm nay mà vẫn chưa tái cơ cấu xong, chưa làm xong thì làm sao mà tăng NSLĐ được. Không tăng được NSLĐ thì Việt Nam lại quay trở lại thời kỳ khốn khó để tăng lương, thu nhập. 
TS Lưu Bích Hồ - Chuyên gia kinh tế