Tiến triển Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông gây tranh cãi tại Hội thảo quốc tế

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành tố và tiến triển của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, theo các đại biểu tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 9.

Tại Hội thảo Quốc tế về Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông diễn ra từ 27-28/12 tại TP Hồ Chí Minh, các học giả đã có những tranh luận sôi nổi xung quanh tương lai đạt được COC. ASEAN và Trung Quốc đã đạt được khung COC nhưng để đạt được một bản COC hiệu quả còn nhiều khó khăn. 
Thành tố và tiến triển của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi nhưng các học giả nhất trí rằng quá trình này phụ thuộc phần lớn vào ý chí chính trị của các bên liên quan.
 Tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp.
Quá trình đàm phán COC sẽ phải giải quyết những khó khăn liên quan đến việc xác định phạm vi địa lý, hiệu lực, điều khoản về tranh chấp của COC. Ngoài ra, các học giả đề xuất quá trình đàm phán COC nên tập trung thêm vào việc quy định các nguyên tắc như không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ vũ lực, duy trì nguyên trạng, kiềm chế, cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác, danh sách các hành động nên được khuyến khích và các hành động không được thực hiện ở Biển Đông, cũng như các bộ quy tắc ứng xử đặc thù cho một số lĩnh vực như phi quân sự hoá các địa điểm chiếm đóng, nghề cá, bảo vệ môi trường biển và an toàn hàng hải theo các quy định của luật quốc tế nói chung và Công ước Liên Hợp quốc 1982 về Luật Biển nói riêng.
PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng nhận định, hội thảo đã thảo luận sâu sắc và có giá trị về nhiều khía cạnh ở Biển Đông, góp phần đạt được những nhận thức chung về mục tiêu hướng tới một vùng biển “thông minh”. Vấn đề Biển Đông còn nhiều diễn biến khó lường, vì vậy, cần ý chí chính trị chung, lòng tin, cơ chế hiện hành dựa trên luật pháp quốc tế và một cách tiếp cận dung hoà, sáng tạo để vượt qua những thách thức, khó khăn và thúc đẩy hợp tác, hoà bình và ổn định của khu vực.

Trong lĩnh vực an toàn hàng hải và phòng chống đụng độ trên biển, hợp tác trong việc thực thi nghĩa vụ của quốc gia mà tàu mang cờ, hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển, cũng như thực thi các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các Công ước về An toàn hàng hải của IMO đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các vụ đụng độ trên biển. Đặc biệt, sáng kiến thành lập khu vực hợp tác ở phía Bắc Trường Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc và Philippines để thúc đẩy hợp tác về nghề cá, bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần