Xử lý “lô cốt” có tiến triển nhưng chưa triệt để

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo yêu cầu của Sở GTVT Hà Nội, trong 2 ngày qua, một số điểm thi công gây ách tắc giao thông đã được tháo dỡ hàng rào chắn, trả lại đường cho các phương tiện giao thông…

Tình hình giao thông TP đã có cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những thiếu sót và khó khăn phát sinh.

Nhận định đúng, quyết định kịp thời

Như báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, trước việc nhiều tuyến đường trên địa bàn Thủ đô như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trường Chinh… liên tục rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Đặc biệt, vào các giờ cao điểm tại những nút giao thông Thanh Xuân (Nguyễn Trãi), nhà ga bến xe Hà Đông cũ (đường Trần Phú)…, người tham gia giao thông bị chôn chân hàng giờ liền.
Điểm nóng Nguyễn Trãi - Hà Đông đã không còn ùn tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm. 	Ảnh: Nam Hải
Điểm nóng Nguyễn Trãi - Hà Đông đã không còn ùn tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Ảnh: Nam Hải
Ngày 11/9, Sở GTVT đã tổ chức cuộc họp với Phòng CSGT, Công an các quận, chủ đầu tư các dự án để cùng phối hợp chống UTGT tại những khu vực trên. Theo đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, nguyên nhân chính là do lòng đường bị thu hẹp để phục vụ thi công công trình đường sắt trên cao, hầm chui... Trước tình trạng này, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản gửi chủ đầu tư và các đơn vị thi công yêu cầu tháo dỡ các “lô cốt” hoàn trả mặt đường cho người dân lưu thông. Cụ thể, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị thi công tổ chức thảm lại mặt đường tại những khu vực đã và đang tổ chức thi công để đảm bảo việc đi lại của người dân, công việc này phải hoàn thiện trong ngày 14/9. Tại các nút thắt đang thi công nhà ga Thanh Xuân, ga Hà Đông, ga Đại học Quốc gia, yêu cầu đơn vị thi công bắt đầu từ 14/9 phải mở rào chắn vào ban ngày, chỉ được thi công vào ban đêm.

Thực hiện yêu cầu của Sở GTVT Hà Nội, trong ngày 14 - 15/9, những lô cốt trên một số tuyến đường đã được dỡ bỏ. Đến nay, tại một số tuyến phố như Nguyễn Trãi, Hà Đông, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Cầu Giấy…, các đơn vị thi công đã tiến hành tháo dỡ “lô cốt” để trả lại mặt đường cho người tham gia giao thông. Đại diện Ban QLDA đường sắt (dự án đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh) cho biết: Để chống ùn tắc tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông, chúng tôi đã mở rào chắn thi công vào giờ cao điểm (trả lại khoảng 3m bề ngang mặt đường), đến buổi tối lại đóng vào để thi công. Và trên thực tế, sau khi tháo dỡ các “lô cốt”, mở rào chắn thi công thì những khu vực này đã không còn xảy ra tình trạng UTGT nghiêm trọng vào các giờ cao điểm như trước. Kết quả đáng mừng này đã thể hiện được nhận định chính xác và quyết định kịp thời của Sở GTVT Hà Nội.

Cần triệt để hơn nữa

Bên cạnh đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông để sớm hoàn trả mặt bằng, ngày 14/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã có buổi làm việc và yêu cầu Ban QLDA Đường sắt, tổng thầu và các đơn vị liên quan đến 30/9 phải hoàn thành xong báo cáo tiến độ các hạng mục chính của dự án. Đồng thời, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành việc lắp ráp vào cuối tháng 1/2016. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA nhanh chóng giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trong chiều 15/9, những yêu cầu, chỉ đạo của Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa được Ban QLDA Đường sắt và các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc, triệt để. Cụ thể, theo yêu cầu trong ngày 14/9, các đơn vị thi công phải hoàn thành việc trải thảm lại mặt đường, nhưng đến cuối ngày 15/9, tình trạng “ổ trâu”, “ổ gà” chằng chịt tại những khu vực đi qua các dự án vẫn chưa được cải thiện. Đặc biệt, tại các điểm hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa, nhà ga La Thành (phố Hoàng Cầu)…, mặt đường không những gồ ghề mà còn đọng nước, úng vũng. Không những vậy, sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị thi công đã khiến những tuyến đường nơi tổ chức dự án trở thành những cái bẫy đối với người tham gia giao thông. Điển hình như tại vị trí nhà ga La Thành, mặt đường không những lồi lõm, úng vũng mà hệ thống chiếu sáng cũng rất khiêm tốn, hay nói thẳng ra là có cũng như không. Bởi trong suốt chiều dài gần 50m, đơn vị thi công chỉ bố trí gần chục chiếc đèn báo hiệu sáng như… đèn dầu. Chỉ cần sơ xảy một chút, TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và trên thực tế tại đây đã xảy ra không ít vụ va chạm vì lý do này.

Tiếp đó, theo quy định của Sở GTVT, các đơn vị thi công phải mở rào chắn vào ban ngày, đóng rào chắn và tổ chức thi công vào ban đêm. Tuy nhiên, cũng theo ghi nhận của phóng viên trong chiều 15/9, tại các công trường thi công nhà ga Thanh Xuân, ga Hà Đông, ga Đại học Quốc gia… thuộc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, các công nhân vẫn thi công vào ban ngày.

Như vậy có thể thấy, những quyết định của Sở GTVT bước đầu đã đem lại những hiệu quả khả quan. Thế nhưng, để những quy định, những biện pháp đó phát huy được hết hiệu quả, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt, tổng thầu và các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc các quy định để giảm thiểu ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần