[Tiếng dân] Ba điều ước của một cô bé Hà Nội

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tiên, cháu - công dân nhỏ của thủ đô xin được cám ơn các cô bác tòa soạn báo Kinh tế &Đô thị đã cho cháu “xông đất” chuyên mục Tiếng dân.

Trong không khí giao hòa của đất trời khó có thể nói hết những cảm xúc của ngày đầu Xuân và những điều ước của thế hệ trẻ chúng cháu. Nhưng cháu xin được nói lên những điều gần gũi và thiết thực nhất đối với cháu và các bạn trẻ.
Hà Nội, thủ đô của cả nước đang lớn lên từng ngày, những ngôi nhà chọc trời ngày xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là tín hiệu mừng cho đất nước, cho Hà Nội nhưng học sinh chúng cháu lại đang thiếu sân chơi, thiếu công viên, vườn hoa cây xanh. Để giải trí sau giờ học, các bạn cháu đành dán mắt vào máy tính, truyền hình và dùng smartphone chơi điện tử.
Cháu không biết được tỷ lệ đất đai dành cho các công trình công cộng của một khu đô thị là bao nhiêu. Nhưng ngoài giờ học ở trường hiện nay còn thiếu các sân bóng nhỏ cho các bạn con trai chơi bóng, các sân chơi cho chúng cháu chạy, nhảy vui đùa. Có câu slogan rất hay “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” nhưng nêu cứ phải nhốt mình trong các căn hộ thì mai này Hà Nội sẽ khó có công dân toàn cầu như sự kỳ vọng của người lớn.
Thưa các bác! Cuối học kỳ vừa rồi chúng em đã được tham quan phòng Tham vấn học đường, kết quả của chuyến đi tham quan và học tập kinh nghiệm tại UAE của các thầy, cô giáo thủ đô. Đây là hoạt động giao lưu trao đổi giáo viên thường niên được tài trợ bởi Quỹ Al Qasimi (do Hoàng tử Al Qasimi tài trợ).
Tại phòng Tham vấn học đường học đường, có góc “Điều em muốn nói” để học sinh có thể phát biểu những suy nghĩ, cảm xúc của chúng em với nhà trường, với thầy, cô và gia đình. “Những công dân tý hon” được bày tỏ những điều trăn trở, đề xuất những ý kiến với người lớn và nhận được câu trả lời sớm nhất.
Góc “Vì em xứng đáng” tại Trường tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa) mà cháu vừa tham quan là nơi bố mẹ, nhà trường đã để sẵn các phần quà nhỏ mà bất cứ bạn nào có hành động tốt đều được tuyên dương khen thưởng. Đó có thể là một bạn lớp 5 dắt em qua đường, là người bạn nhặt được của rơi gửi trả người mất… Tất cả các việc làm xứng đáng đều được ghi nhận và tặng quà kịp thời trong ngày mà không phải chờ sơ kết, tổng kết như lâu nay.
Cháu mong muốn các bác Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham quan và đánh giá mô hình mới này, nếu được sẽ nhân rộng ra các trường có điều kiện. Đây sẽ là một trong những địa chỉ mà chúng cháu rất thích, phù hợp với lứa tuổi học đường.
Điều tiếp theo, từ ngày các bác ra đời nghị định cấm lái xe, kể cả xe máy, xe đạp khi đã uống rượu bia, bố cháu đã về nhà sớm hơn hẳn. Cháu và mẹ đều rất vui khi bữa cơm gia đình có bố, bài toán khó đã có người chỉ dẫn.
Gần đây, bố cháu có mua cái máy đo nồng độ cồn để khi tỉnh dậy kiểm tra để quyết định có nên lái xe ra đường không. Rồi không hiểu sao, bố cháu làm mất chiếc máy này, nhiều lần còn sai cháu đi lục tung khắp nhà. Nên cháu viết lên báo, ước muốn các bác chế tạo smartphone Vsmart có thêm tính năng đo nồng độ cồn. Nếu có được chiếc smartphone như thế, chắc chắn ngoài bố cháu sẽ có nhiều người mua dùng, cháu thì không phải đi tìm máy đo nồng độ cồn như tuần vừa rồi.
Cháu xin cám ơn các cô bác đã lắng nghe lời đầu năm của một cô bé, xin chúc mọi người một mùa Xuân tươi đẹp!