[Tiếng dân] Cháy nhà ra mặt chuột

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội tuần này mưa, người dân lại nhớ đến một ông Cục trưởng Cục Dự trữ “tốt bụng” thấy một đoàn xe gạo đi trong mưa gió, đã hào hiệp mở kho cho cất nhờ. Rồi trăm công, ngàn việc ông quên khuất đi và các công ty có gạo kia cũng không nhớ, thế là ông bị đình chỉ công tác do: “Cho mượn kho trái phép”. Oan như "oan Thị Mầu”.

Tổng cục Dự trữ quốc gia có 22 Cục Dự trữ trực thuộc thì có đến 7 ông Cục trưởng “dính tội” như thế. Đến nước này mà ông Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ quốc gia Đỗ Việt Đức vẫn cho rằng: "Bộ Tài chính yêu cầu thì chúng tôi sẽ báo cáo. Lỗi đến đâu chúng tôi nhận đến đó. Còn chủ yếu cấp Cục phải chịu trách nhiệm bởi họ là chủ đầu tư, tổ chức đấu thầu gạo...". Câu nói leo lẻo miệng nhà quan: “Lỗi đến đâu chúng tôi nhận đến đó”, bởi đến giờ chưa thấy ai nhận hơn cái mà cấp trên hoặc công luận, báo chí phát hiện.
Câu chuyện sẽ được cơ quan điều tra làm rõ, nhưng sự việc 7 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa không đơn giản chỉ là việc thông đồng kiếm vài đồng tiền cho thuê kho. Bởi hơn ai hết, các ông cục trưởng đều biết, theo điều 61, Luật Dự trữ quốc gia năm 2012, Thông tư số 56 của Bộ Công an đều đã quy định rất rõ: Kho dự trữ thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Công văn 600/2018 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng quy định: Nghiêm cấm cho gửi hàng hóa vào kho dự trữ, kể cả kho dự trữ chuẩn bị thanh lý không được gửi vào.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Đặng Ngọc Tuyến cho rằng: Tại Điều 61, Luật Dự trữ quốc gia năm 2012, Thông tư số 56 của Bộ Công an đều quy định rất rõ: Kho dự trữ thuộc danh mục bí mật Nhà nước; Công văn 600/2018 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, cơ quan này cũng nghiêm cấm cho gửi hàng hóa vào kho dự trữ, kể cả kho dự trữ chuẩn bị thanh lý không được gửi vào. Số tiền “móc ngoặc, thông đồng” chả thấm vào đâu so với cái án kỷ luật, nếu không may bị phát hiện.

Liên tưởng đến vụ Tổng cục Dự trữ nhà nước đã đấu thầu và trúng được 178.000/190.000 tấn gạo mua dự trữ năm 2020, nhưng có hiện tượng các DN đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng đã từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng theo quy định với số lượng gạo là 160.300 tấn.

Sự việc phức tạp hơn nhiều khi ông Đặng Ngọc Tuyến cho hay: "Khi làm việc, các cục báo cáo lại với đoàn thanh tra là số gạo gửi là của các DN trúng thầu bán gạo cho cơ quan dự trữ. Tuy nhiên, có DN gửi gạo ở đó, nhưng sau đó không đến ký hợp đồng bán gạo. Các Cục Dự trữ cho để vào kho, rồi sau đó họ không chuyển ra kịp”.

Trúng thầu, đã đưa gạo vào kho cả tháng trời… nhưng giờ lại “không ký hợp đồng bán gạo”, câu chuyện hoàn toàn khác với việc “trời mưa, đi gửi vài ba xe gạo”. Buồn thật, chuyện từ Tổng cục Dự trữ quốc gia đến các Cục Dự trữ Nhà nước, an ninh lương thực quốc gia mà các bác làm như trò đùa thiên hạ?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần