[Tiếng dân] Để dân đỡ khổ vì thủ tục

Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyện cán bộ tắc trách trong công vụ rất đa dạng, song có chuyện ít ai để ý và thực tế để khổ lại cho dân, dù họ không hề có lỗi.

Vừa qua, ông P. có việc phải qua cơ quan chức năng xin giấy phép sửa chữa ngôi nhà của mình trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Chuyện sẽ chẳng có gì khó khăn, nếu như sổ đỏ căn nhà ghi đúng địa chỉ mà ông đăng ký khi làm sổ đỏ; đồng thời, số thứ tự tờ bản đồ ghi căn nhà ông cũng không bị ghi thiếu thông tin… Cả hai lỗi này đều thể hiện trên sổ đỏ mà khi ông nhận về cũng không để ý. Vậy là hành trình xác minh lại địa chỉ nhà thực tế và thông tin trên tờ bản đồ diễn ra, khiến ông thêm mất thời gian và căng thẳng thần kinh.
Trước đó, khi ông đi cấp lại thẻ căn cước công dân từ chứng minh Nhân dân cũ cũng gặp ách tắc bất ngờ. Để làm thẻ căn cước mới, cơ quan công an chỉ căn cứ vào nội dung ghi ở sổ hộ khẩu, mà trên đó chỉ ghi năm sinh, thiếu ngày tháng như trong chứng minh Nhân dân cũ, mà ông được cơ quan công an Hà Nội cấp mấy chục năm qua. Vậy là hành trình tìm kiếm giấy khai sinh, chứng minh ngày tháng sinh của người trên 60 tuổi như ông bắt đầu với vô số thủ tục nhức đầu, vì làm sao còn bản khai sinh cũ gốc ngày xưa cho lớp tuổi như ông…!
Thiết nghĩ, cán bộ có trách nhiệm ghi các nội dung thông tin vào các loại giấy tờ có tính pháp lý cao như sổ đỏ, chứng minh thư Nhân dân và hộ khẩu cần phải bảo đảm ghi tuyệt đối đúng, đầy đủ các nội dung như số nhà, ngày tháng năm sinh và số tờ bản đồ… chi tiết theo yêu cầu trong các giấy tờ đó. Đây là đòi hỏi tối thiểu cả về nội dung công việc, trách nhiệm và đạo đức công vụ. Đây cũng phải là tiêu chí tối thiểu để đánh giá cán bộ hoàn thành nhiệm vụ công tác trong năm.
Hơn nữa, khi đổi từ chứng minh Nhân dân sang thẻ căn cước công dân thì cần căn cứ vào nội dung trên chứng minh Nhân dân là đủ, sao còn so sánh với sổ hộ khẩu. Và khi chúng không khớp nhau thì sao cơ quan công quyền không “tự xử”, bởi chả lẽ công an còn không tin nhau về nội dung ghi trên chứng minh thư? Còn người dân cũng đỡ ngơ ngác, không biết phải kêu cầu ai sửa sai, mà cũng không biết ai có lỗi…?!
Được biết, trường hợp “tai nạn trên trời rơi xuống” đầu dân, như ông P. nêu trên, là không hiếm gặp tại các phòng tiếp dân và một cửa hiện nay ở Thủ đô.
Thiết nghĩ, đây cũng là nội dung cần chú ý trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả thể chế, để đỡ khổ cho dân.