[Tiếng dân] Đợi gì ở cuộc thanh tra lần này?

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho đến nay, tại TP Hà Nội có 254 trên tổng số 492 chung cư thương mại (chiếm 52%), 33 trong số 82 chung cư tái định cư (chiếm 40%) chủ đầu tư chưa bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị.

Việc không có kinh phí sửa chữa thường xuyên, nhiều tòa chung cư hiện đại sau một thời gian đưa vào sử dụng đã nhanh chóng xuống cấp, bề mặt tòa nhà bong rộp, thang máy chập chờn, điện chiếu sáng khi tỏ khi mờ. Luật Nhà ở 2014 là một trong những văn bản liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân đặc biệt là cư dân ở các đô thị lớn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2019, cả nước đã xảy ra 458 vụ tranh chấp tại các dự án nhà chung cư. Trong đó, có 68 vụ tranh chấp liên quan đến việc quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư, chiếm khoảng 10,3%. Số tiền các chủ đầu tư đã chiếm dụng của các hộ mua nhà lên đến hàng chục tỷ đồng trong khi bộ mặt đô thị nhếch nhách, chất lượng cuộc sống thường nhật của người dân chung cư ngày càng đi xuống. Quá bất hợp lý!
Theo nhiều người, nếu tính đủ, con số sẽ còn lớn hơn nhiều. Luật quy định, trong thời hạn 7 ngày kể từ khi có Ban quản trị chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi kinh phí vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam và thông báo cho cơ quan quản lý nơi có nhà chung cư biết. Kể từ ngày luật có hiệu lực, có lẽ chả có Ban quản trị chung cư nào được bàn giao đúng quy định.
Phần lớn các chủ đầu tư cứ tìm mọi cách để trì hoãn việc bàn giao. Điều 108 Luật Nhà ở 2014. Cụ thể, người mua nhà sẽ phải đóng 2% giá trị căn hộ khi nhận bàn giao nhà và chủ đầu tư sẽ phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng. Nhưng không ít chủ đầu tư trả lời là vì chưa bán được nhà nên không có tiền chuyển giao cho Ban quản trị, dù quá thời hạn đã lâu.
Không ít chủ đầu tư chây ì việc bàn giao nhưng lại “tranh thủ” dùng khoản tiền này để bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng với cái giá cao ngất mà không một người dân chung cư nào cũng có thể chấp nhận. Những cuộc bàn giao không thứ giấy tờ, hồ sơ, chứng từ đi kèm… cũng khiến dân tình bức xúc.
Những vụ tranh chấp, kiện cáo nhau kéo dài và đang có xu hướng tăng. Thực tế cho thấy đây là việc ngoài tầm tay của các ban quản trị chung cư, chính quyền địa phương cấp phường, quận. Đã khá nhiều vụ tranh chấp khiến người dân tụ tập, gây mất ổn định tình hình tại địa phương. Nhưng lời giải tổng thể vấn đề này vẫn chưa có, dù Bộ Xây dựng, cơ quan soạn thảo Luật Nhà ở đã có nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề bàn về việc thực thi, sửa đổi cho sát với tình hình.
TP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, ngoài việc xử phạt hành chính, còn công khai các danh tính các chủ đầu tư vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng… Nhưng mọi việc vẫn như “nước đổ lá môn”, chủ đầu tư này nhìn chủ đầu tư kia, rỉ tai bày cách nhau đối phó, tình trạng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được.
Bộ Xây dựng vừa ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020, trong đó có hàng chục dự án nhà chung cư thuộc diện thanh tra về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đưa chương trình này vào kế hoạch hoạt động trọng điểm của đơn vị trong năm tới.
Người dân các khu chung cư tại Hà Nội sẽ chờ đợi gì sau đợt thanh tra này?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần