[Tiếng dân] Được gì khi từ huyện lên quận?

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tại, TP Hà Nội có 12 quận và 1 thị xã/30 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, mới chỉ đạt 43% đơn vị hành chính đô thị.

Như vậy, theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP trực thuộc T.Ư phải có tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện đạt từ 60% trở lên thì Hà Nội còn thiếu ít nhất 4 quận.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành 4 Quyết định phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025. Đó là tin vui đối với bà con 4 huyện, sắp được trở thành “người thành phố”.
Điều dễ thấy nhất là giá trị đất đai sẽ tăng nhanh vùn vụt, ngay từ mới khi nghe phong phanh cách đây vài năm thì các loại “cò đất” to nhỏ đã hoạt động náo nhiệt các vùng quê Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng.
Rõ ràng, việc chuyển đổi từ huyện thành quận, không đơn thuần chỉ là một quyết định, mà nó có hẳn đề án lớn của TP với sự tham mưu của khá nhiều cấp, nhiều đơn vị, tổ chức đoàn thể. Nếu trước đây nói đến Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng là nói đến đồng ruộng, làng nghề, những ao, hồ, chuồng trại với những người nông dân “một nắng, hai sương” thì sau 2025 sẽ có một bộ mặt hoàn toàn khác.
Điểm nhấn của các quận mới thành lập phải là các đô thị thông minh, đường ngang, ngõ dọc xe cộ đi lại tấp nập. Sẽ có siêu thị, trung tâm mua sắm thay dần cho chợ quê, sẽ có trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển, khu công viên phần mềm, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.
Rõ ràng, hình ảnh những người nông dân và con trâu, cái cày sẽ biến mất dần, thay thế đó là các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mặc dù đề án đã nhấn mạnh: “Đổi mới và tạo bước phát triển mạnh giáo dục - đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển” nhưng người dân không khỏi boăn khoăn về lộ trình thực hiện.
Bao giờ cũng vậy, kiếm kế sinh nhai vẫn là nỗi lo thường trực của người dân nông thôn chúng tôi. Người dân địa phương, trung tâm của cuộc chuyển đổi “từ huyện lên quận” sẽ ở đâu trong phương án “tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại dịch vụ”. Họ sẽ phải làm gì để “chuyển dịch cơ cấu kinh tế gia đình”? Ai sẽ hỗ trợ họ? Kinh phí như thế nào? Liên hệ với ai? Nguồn lực nào phải huy động từ cộng đồng?
Khi cơ cấu làng xóm thay đổi, quan hệ làng xóm, láng giềng bao đời nay cũng sẽ thay đổi. Câu chuyện: “Gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời” cũng là vấn đề khiến cho người dân vô cùng trăn trở. Nếp sống thành thị trong tương lai sẽ khác xa với những gì người nông thôn đã và đang hàng ngày đối mặt. Người dân cần được biết sự khác biệt giữa huyện, quận, những khó khăn, thuận lợi mà mình sẽ phải đối diện và làm thế nào để vượt qua.
6 năm không phải là thời gian quá dài, nghĩa là ngày trở thành “người thành phố” của bà con Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng không còn xa. Mọi việc không đơn thuần chỉ là đổi chữ HUYỆN thành QUẬN, mà vấn đề cốt lõi là cuộc sống của người dân phải được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Khi “Ý Đảng, lòng dân” đồng thuận cao thì an ninh, chính trị của chính quyền đô thị mới được bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần