[Tiếng dân] Hãy thấu hiểu con trẻ

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau kết luận của lãnh đạo TP Hải Phòng về vụ việc học sinh lớp 1 đến sớm phải đứng chờ ở cổng trường giữa trời nắng 40 độ C, câu chuyện vẫn chưa chìm xuống.

Từ các phương tiện truyền thông cho đến cộng đồng mạng xã hội vẫn không dừng mổ xẻ, chê trách người trong cuộc. Và người cuối cùng chịu tổn thương là đứa trẻ.
Với việc xuất hiện video ghi nhận tình tiết mới, dư luận lại tha hồ trách mắng người mẹ. Phía khác lại đứng ra bênh vực và đặt nghi vấn dàn dựng clip của ai đó. Cho đến lúc này, có hay không việc người mẹ đưa đứa bé đến chụp ảnh rồi lại chở đi không còn là tình tiết quá quan trọng. Vì việc trẻ đến sớm và bị chụp ảnh, cho lên nhóm chung của lớp để phê bình là có thật. Nỗi sợ hãi của trẻ con và phụ huynh vì mắc lỗi… đến trường sớm là có thật.
Khi sự việc còn nhùng nhằng tranh luận, liệu đứa bé 7 tuổi có được đến trường bình yên? Liệu bạn bè trong lớp, trong trường bỏ qua hay gặp mặt rồi chỉ trỏ, khi mà chúng tình cờ nghe được câu chuyện do bố mẹ, ông bà đàm luận ở nhà? Liệu thầy cô trường Tiểu học Quang Trung (TP Hải Phòng) có bình thường được với học sinh trong khi vẫn phải giải quyết mớ bòng bong? Trẻ con chưa thể biết đấu tranh, biết bày tỏ thái độ trước hành động đúng sai, mà chỉ có thể nhận sự tổn thương trong lòng.
Xem xong clip, nhiều người chỉ thấy xót xa cho cháu bé. Vì sau khi đã có kết luận của TP, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã chỉ đạo các trường trong TP phải mở cửa sớm, bố trí khu chờ đợi cho các cháu không ăn bán trú được vào trường chờ đến giờ học… thì mọi việc đã khép lại được rồi. Nhưng có vẻ mọi việc lại không đơn giản vậy. Có thêm clip này, thêm những phân trần, giải trình nữa cũng chỉ khiến nhiều người mệt mỏi, chán nản, xót xa hơn cho đứa trẻ mà thôi.
Về cơ bản, diễn biến sự việc dù được mỗi bên kể một kiểu, có phức tạp đến đâu thì sau khi chịu khó phân tích, xâu chuỗi, nhiều người đã mường tượng được ra bản chất rồi. Đúng – sai - thắng - thua giờ đâu còn quan trọng nữa. Quan trọng hơn là các cháu bé được quan tâm, yêu thương, tạo điều kiện hơn sau sự việc này.
Mỗi bậc phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường đều thấu hiểu, ai ai cũng muốn tạo được môi trường học tập và sinh hoạt tốt nhất cho con. Người làm cha, làm mẹ ai cũng thương con, lo con chịu khổ, chịu thiệt. Clip có thể tố một sự thật là việc người mẹ dàn dựng, nhưng nó cũng xuất phát từ những nỗi lo có thật, đã xảy ra.
Có trách chăng là trách cách xử lý còn chưa thật sự hiểu biết của người mẹ. Chính vì vậy, chúng ta chẳng cần mạt sát bà mẹ, chẳng cần chửi bới ai cả. Chỉ mong người lớn hãy sống có tâm, trách nhiệm với con trẻ. Hãy nhìn vào mắt trẻ con mà sống. Nếu không thực sự cần thiết, hãy để cho sự việc chìm xuống để đứa trẻ đến trường trong bình yên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần