[Tiếng dân] Học sinh THCS và THPT sẽ được sử dụng điện thoại trong lớp: Chớ nên vội vàng

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa đi công tác về, chưa kịp kéo vali vào góc phòng, con gái đã chạy ra thông báo một tin: Nếu không có gì thay đổi, từ ngày 1/11/2020, học sinh THCS và THPT sẽ được sử dụng điện thoại trong lớp nhưng chỉ phục vụ cho học tập, với sự cho phép của giáo viên. Rồi nàng kịp đế vào câu: “Quy định hẳn hoi nha. Vậy từ nay mẹ không nên cau có khi con dùng điện thoại…”.

 Học sinh THCS và THPT sẽ được sử dụng điện thoại trong lớp: Chớ nên vội vàng. Ảnh minh họa
Đây hẳn là tin rất “động trời” với nhiều phụ huynh chứ không phải riêng tôi. Cứ thử làm cuộc khảo sát, trong một lớp học hiện nay, có bao nhiêu học sinh sử dụng điện thoại di động để phục vụ việc học tập; có bao nhiêu học sinh, trước khi quy định này có hiệu lực thì vẫn lén lút dùng điện thoại trong lớp chỉ để lướt Facebook, chat, nhắn tin…?
Đành rằng, mục đích của điều lệ là tốt, để học sinh có cơ hội áp dụng công nghệ vào học tập, cho xứng với công dân thời 4.0. Thế nhưng để thực hiện, nhà trường đã có phương án quản lý hiệu quả chưa? Hay vô tình tạo cơ hội cho lũ trò “tiểu yêu” – "nhất quỷ nhì ma"… lợi dụng quy định để bào chữa cho những hành động không đúng của mình.
Thực tế cho thấy, chỉ với quy định ngồi học ngay ngắn, tập trung nghe giảng, không nói chuyện riêng trong giờ cũng là điều không dễ thực hiện, nói gì đến việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ việc học. Thời gian ở nhà, việc quản lý sử dụng điện thoại của con cái cũng đã ngoài tầm kiểm soát của các bậc phụ huynh, đằng này ở lớp với hàng chục học sinh. Thậm chí, ngay cả với người lớn là các bậc phụ huynh cũng còn khó thực hiện quy định không sử dụng điện thoại trong hội họp, thì sao có thể tin là bọn trẻ sẽ thực hiện nghiêm quy định định ấy trong lớp học.
Bởi thế, việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động trong lớp, dù mục đích cao cả là để phục vụ việc học, ai dám đảm bảo là không xảy ra hệ lụy cho con trẻ, gia đình và xã hội. Khi được “chính danh” sử dụng điện thoại di động nhiều hơn, các con sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng tới mắt nhìn; khó tập trung, xao nhãng việc học. Cùng đó, các con ít tương tác trực tiếp với người xung quanh, tranh thủ dùng điện thoại để lên mạng xã hội thỏa sức “chém gió” với bạn bè khắp nơi, chơi game...
Đáng lo ngại hơn, sẽ tồn tại tư duy ỷ lại vào điện thoại vì cho rằng vật dụng tiện lợi này có thể giải quyết được tất cả các vấn đề nên không cần đào sâu suy nghĩ, dẫn tới làm nghèo nàn tư duy của người học... Đó là chưa kể, học sinh có thể xem trộm thông tin “đen” mà giáo viên đứng lớp không kiểm soát được.
Vậy nên, xin đừng vội vàng nếu chưa có biện pháp quản lý một cách hiệu quả, trong khi mặt bằng học sinh là khác nhau về nhận thức, tính cách và điều kiện sống.