[Tiếng dân] Không sợ virus, chỉ sợ không đón được đồng bào

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dầu VNA đã từng thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, như giải cứu dịch SARS năm 2003, hành khách bị kẹt tại Thái Lan do khủng hoảng chính trị năm 2008, sơ tán người lao động ở Lybia năm 2011; nhưng 9 giờ bay vào tâm dịch Covid -19 ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) lần này vẫn để lại cảm xúc cho cộng đồng.

Đầu tiên phải kể đến sự sốt sắng của Đại sứ Phạm Sao Mai và cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trong việc trấn an công dân Việt Nam tại Vũ Hán khi trước đó đã có 21 quốc gia đưa công dân về nước.
Tiếp đến đó là việc kết nối thông tin với Hà Nội, với VNA, Sở Ngoại vụ tỉnh Hồ Bắc, các trường Đại học Sư phạm Hoa Trung, Đại học Khoa học kỹ thuật Vũ Hán, Đại học Nông nghiệp Hoa Trung, sân bay quốc tế Thiên Hà… để khớp số lượng người, lịch trình xe đón.
 Ảnh: Internet.
Bao giờ máy bay đến? Phương án đi ra sân bay như thế nào? Thủ tục như thế nào để đi qua các chốt kiểm tra dịch của bạn? Đó là những câu hỏi liên tục được đặt ra trong kế hoạch di tản. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ngoài Vũ Hán, hiện còn 117 lưu học sinh Việt Nam ở 19 tỉnh thành của Trung Quốc. Ngay từ trước Tết Nguyên đán, cán bộ đại sứ quán đã phải thường xuyên liên lạc với họ để trao đổi thông tin.
Phải cám ơn Vietnam Airline và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Phụ sản T.Ư đã lên kế hoạch chi tiết cho hành trình 9 giờ “giải cứu” 30 công dân Việt Nam ở Hồ Bắc. Họ thực sự là những “chiến sĩ” đang ở tuyến đầu phòng chống căn bệnh do virus corona gây ra đang là nỗi kinh hoàng của toàn thế giới. Chỉ cần 5 tiếp viên cho hành trình bay nhưng đã có 33 tiếp viên của Vietnam Airline tình nguyện đi vào tâm dịch thế giới.
Nếu điều kiện bình thường, VNA sẽ từ chối chuyên chở thai phụ 36 tuần tuổi nhưng chuyến bay đặc biệt này, ngoài một bác sĩ và một điều dưỡng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư phi hành đoàn có một bác sĩ phụ sản và kèm một bàn đẻ được chuẩn bị sẵn phòng khi máy bay gặp tình huống nhiễu động (sản phụ chuyển dạ).
Giám đốc Trung tâm Điều hành kỹ thuật Đinh Văn Tuấn của Vietnam Airline đã đích thân làm Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt này. Ngày thường, tổ bay của tàu A321 có khoảng 7 người, riêng chuyến bay này có 15 người, do có thêm kỹ thuật để kiểm tra an toàn tàu bay khi hạ cánh, cất cánh. Ngoài ra, trên máy bay mang sẵn cả phụ tùng, trang thiết bị dự phòng để thay thế khi cần thiết.
Tất cả thành viên tổ bay được trang bị đồ bảo hộ y tế 2 lớp, tương tự như các bác sĩ đang sử dụng chăm sóc bệnh nhân trong phòng cách ly. Các kế hoạch đón khách từ sân bay quốc tế Thiên Hà (Trung Quốc) và sân bay Vân Đồn (Việt Nam) đều được chuẩn bị chi tiết giữa tất cả các bên liên quan. Phi hành đoàn và các công dân từ Vũ Hán trở về được cách ly 14 ngày theo đúng quy định.
Tiếp viên trưởng chuyến bay Phạm Hải Bằng đã tự tin: "Chúng tôi không sợ virus, chỉ sợ không đón được đồng bào mình về!". Biết chuyện, ông Lê Thanh Bình, một Việt kiều tại Ba Lan đã xúc động “Đất nước này… lạ thật cứ như mơ/Giữa tâm dịch... vẫn bất ngờ xông tới".
Ngay trong những ngày đại dịch Covid -19, chúng ta đã có một chuyến bay xuyên tâm, mang hàng hóa viện trợ cho Trung Quốc và đón 30 đồng bào về nước. Những chuyến bay mang tầm thời đại… nhiên liệu đốt trong là tình người, đã làm cho cả thế giới biết rằng: Việt Nam chia sẻ, Việt Nam trách nhiệm với công dân của mình!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần