[Tiếng dân] Làm chủ cuộc chơi

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải hủy đấu thầu quốc tế với “đại dự án” cao tốc Bắc - Nam, điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước nhằm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được dư luận đánh giá cao.

Được biết “đại dự án” đường bộ cao tốc Bắc - Nam chạy dọc theo phía Đông của Việt Nam kéo dài từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau, có chiều dài 2.109km. Dự án Cao tốc Bắc - Nam bao gồm 11 dự án, trong đó có 3 dự án là đầu tư công và 8 dự án còn lại sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công tư (PPP).
Sau khi áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế đã được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia bao gồm 24 nhà đầu tư Việt Nam, 16 nhà thầu Trung Quốc, 5 Hàn Quốc, 1 của Pháp, 1 Singapore và 1 từ Philippines.
 Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet.
Khi thay mặt Bộ GTVT báo cáo với Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 4 về tiến triển của dự án đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết là các công ty, các DN Việt Nam không đủ điều kiện để tham gia. Với các quy định hiện hành, một số nhà đầu tư quốc tế như Nhật Bản, Pháp, Anh… thì không mặn mà, đã khiến dư luận lo lắng.
8 dự án đó có độ dài bình quân của mỗi dự án chỉ khoảng độ 60km, với khổ rộng của đường chỉ là từ 4 đến 6 làn xe. Khá nhiều tập đoàn Việt Nam đã từng tham gia những dự án tương tự, thậm chí lớn hơn. Vậy có những quy định đấu thầu được đưa ra như thế nào mà khiến cho các DN Việt Nam bị loại ra ngay từ đầu, không đủ điều kiện để tham gia, không mặn mà đầu tư?
Không chỉ các nhà đầu tư trong nước, mà ngay cả các nhà đầu tư quốc tế cũng băn khoăn về chính sách của Việt Nam, ví dụ như các vấn đề về tỷ giá. Họ bị rơi vào tình huống là quá ít thời gian để có thể đọc và hiểu kỹ "đầu bài" mà Bộ GTVT đưa ra, để từ đó quyết định là có nên tham gia hay không.
Trong quá trình thực hiện dự án sau khi được dư luận góp ý, Bộ GTVT có sửa đổi các quy định, đã có thêm các DN Việt Nam tham gia sơ tuyển trong cuộc đấu thầu, nhưng do thời gian vẫn còn quá ngắn để các DN Việt Nam kịp chuẩn bị hồ sơ.
Người dân đang hàng ngày chứng kiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tệ hại. Nó bất ổn ngay từ đầu, từ cách ra đầu bài, đến toàn bộ quá trình chọn thầu và giám sát. Tưởng chừng như chúng ta đã chọn được nhà đầu tư nào đã chào giá rẻ, chất lượng tốt nhưng thực tế rốt cuộc Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận trả thêm tiền nhiều lần, hoặc thời gian kéo dài quá lâu như hiện nay.
Trong thời gian qua, Nhân dân đã liên tục qua nhiều kênh thông tin để kiến nghị 3 tiêu chí lớn cho “đại dự án” này: phải đảm bảo an ninh quốc gia; phải tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam nâng cao năng lực và có việc làm để tồn tại và phát triển; giảm được giá thành, ngân sách nhà nước.
Hủy bỏ đấu thầu quốc tế chỉ là bước 1. Tiếp theo, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển, nhưng cách làm PPP phải làm cho luật pháp và các quy định thật rõ ràng, minh bạch và có đủ thời gian cần thiết để cho các nhà đầu tư trong nước có thể có được thông tin đầy đủ, hiểu đúng về các yêu cầu của các dự án và từ đó họ có thể tham gia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần