[Tiếng dân] Lo thở cho dân

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 13 trạm quan trắc tự động ở Hà Nội cho biết từ ngày 25 - 29/9, toàn bộ các trạm đều báo là chỉ số bụi siêu mịn PM2.5 vượt quy chuẩn Việt Nam.

Tổng cục Môi trường của Việt Nam hôm 1/10 xác nhận ô nhiễm không khí ở Hà Nội đạt mức cao “vượt quy chuẩn” liên tiếp trong những ngày gần đây và khuyến cáo người dân “hạn chế các hoạt động ngoài trời”.
Như vậy đúng là trước đây lo ăn, lo mặc, lo nhà đã thấy mệt, nay người dân lại có thêm nỗi lo, lo chất lượng khí thở. Không nói đâu xa, ngay Thủ đô Bắc Kinh của nước láng giềng Trung Quốc đã mất rất nhiều công sức, tiền của và cả thời gian để cải thiện chất lượng không khí, nỗ lực thoát nhóm ô nhiễm nhất thế giới.
Các tổ chức y tế thế giới đều có chung nhận định ô nhiễm không khí được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Người ta đã thống kê “khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí”.
Trong thời gian ngắn, người dân có thể hạn chế đi lại, các hoạt động ngoài trời nhưng về lâu dài, không thể ngồi mãi trong nhà, mà ngồi nhà cũng phải hít thở. Nghĩa là nguy cơ các bệnh liên quan đến môi trường như bệnh phổi, tim mạch, viêm da tiếp xúc, mày đay, viêm da cơ địa..., sẽ tăng cao.
  Khí thải từ xe gắn máy ngày càng làm cho môi trường không khí bức bối (ảnh chụp tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Láng Thượng)
Chắc chắn, để xảy ra ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân, tác động lớn đến các hoạt động kinh tế, du lịch, đầu tư… nên “lo chuyện thở” cũng là chuyện cấp bách. Là thủ đô, bộ mặt quốc gia thì dứt khoát Hà Nội không được để xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, Hà Nội cũng đã chủ động vào cuộc. TP xác định một trong những nguyên nhân chính là Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng phát sinh bụi. Cùng với đó, mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc; còn tồn tại các phương tiện cũ, xe chở vật liệu và phế thải không che chắn đúng quy định.
Hà Nội cần làm cho người dân hiểu được mức độ nguy hại của ô nhiễm không khí để cộng đồng chung tay hạn chế mức độ nguy hại bằng cách hành động cụ thể của dân. Các khuyến cáo người dân không đốt rơm rạ, hạn chế phương tiện cá nhân, hạn chế dùng than tổ ong, các phương tiện cũ kỹ, tăng cường trồng cây xanh… cần được tuyên truyền sâu rộng.
Nhưng chuyện ô nhiễm không khí ở Hà Nội không chỉ mình thủ đô làm được dù Hà Nội đã đặt ra các mục tiêu cho từng nguồn phát thải cụ thể. Với nguồn phát thải nội đô, Hà Nội đã đề ra chính sách kiểm soát khí thải xe máy, tăng cường giao thông công cộng và xe bus dùng nhiên liệu sạch. Nhưng với nguồn phát từ các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép ở các tỉnh, thành lân cận thì Hà Nội cần sự phối hợp của các địa phương đó và Bộ Công Thương để có phương án quản lý.
Số tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường lên đến gần 45.000 tỷ đồng trong năm 2017 (số liệu do Bộ Tài chính Việt Nam công bố) cần được ưu tiên phân bổ cho Hà Nội hợp lý để triển khai các biện pháp chống ô nhiễm không khí.
Việc “lo thở cho dân”, cải thiện chất lượng không khí phải là một quá trình lâu dài, bền bỉ của bộ máy chính quyền nhưng chắc chắn người dân không được đứng ngoài cuộc.