[Tiếng dân] Nỗi lo thực phẩm handmade

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm, tổ dân phố tôi, các bà nội trợ ngồi lại xì xầm bàn chuyện thực phẩm handmade, mốt đang thịnh hành thời Covid-19.

Rảnh thời gian, cầm chiếc điện thoại thông minh, các bà tra cứu và chia sẻ thông tin đặt mua các loại thực phẩm quê, thực phẩm handmade cho gia đình hoặc làm quà Tết.
Bà Nga hào hứng: “Thời đại này sướng các bà nhỉ. Chỉ cần lướt và click chuột là có đủ thứ Tết handmade, này thịt gà quê, thịt lợn sạch, các loại giò, chả, nem, mứt, bánh chưng… đủ cả, chả thiếu thứ gì, chả bù hồi trẻ chúng ta làm dâu, cơ khổ”.

Cô chủ quán cà phê xinh đẹp tên Hà được dịp quảng cáo: “Tết này em vẫn làm mứt nhé, đủ thứ mứt gừng, mứt bí, mứt cà rốt…, các bác mua hộ em, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao nhé, giá lại rẻ như cho vì em nguyên liệu rẻ, lại sẵn, có khi em phải làm 3 - 4 trăm cân ấy chứ”.

Bà Hảo năm ngoái đã dùng thử khen: “Các bác mua đi, yên tâm lắm, hàng nhà này chủ yếu bán cho bạn bè, người quen, nên thực phẩm đầu vào tươi ngon, sạch sẽ. Độ ngọt, giòn của mứt, bánh cũng được chú ý căn chỉnh theo yêu cầu của từng nhóm khách hàng, nó khác hẳn hàng bán siêu thị nhé”.

Đội bóng chuyền hơi chung cư được dịp vun vào, nào là: “Để đảm bảo uy tín em nên quay clip phát trực tiếp (qua mạng) để khách hàng thấy việc lựa chọn nguyên liệu, vệ sinh và chế biến sản phẩm hoàn toàn sạch sẽ”. Có bà lại tỏ ra có kinh nghiệm: “Cháu nên ưu tiên dùng nguyên liệu chiết xuất màu tự nhiên từ hoa quả, trái cây tươi, như: Lá dứa, cà phê, chanh dây, cà rốt, bột trà xanh... đúng thị hiếu người dùng và đảm bảo độ an toàn”.

Được dịp, các bà nội trợ mới chia sẻ, cả tháng nay trên mạng ngoài các loại bánh, kẹo, thực phẩm như trên thì cá biển, lạp xưởng, giò me, thịt trâu, bò khô, kim chi Hàn Quốc, hành muối… cũng được quảng cáo đầy rẫy. Bà Ngọc Anh khoe: “Tôi lướt web mãi rồi, thịt lợn gác bếp có giá từ 360.000 - 390.000 đồng/kg, thịt bò gác bếp giá từ 750.000 - 780.000 đồng/kg loại nguyên miếng, bò khô sợi giá từ 800.000 - 880.000 đồng/kg, mứt dừa có giá khoảng 150.000 - 220.000 đồng/kg, bánh nhãn từ 120.000 - 140.000 đồng/kg... Các bà nên mua loại được đóng gói lịch sự hay đựng trong túi hút chân không nhé”.

Thời đại 4.0, ngay cả các bà nội trợ cũng đã biết ứng dụng internet để tìm kiếm thông tin mua hàng theo thị hiếu. Kênh bán thực phẩm handmade đang có xu hướng phát triển vì người dân có xu hướng lo ngại khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm của các công ty sản xuất. Đồ thực phẩm handmade được tiêu thụ chủ yếu qua khâu người quen giới thiệu, truyền miệng và bảo đảm uy tín bằng lòng tin. Với quy mô nhỏ nên phần lớn các mặt hàng đều là có thể điều chỉnh theo khẩu vị, giá cả phần lớn thấp hơn siêu thị vì không phải thuê mặt bằng, tiếp thị.

Điều dễ thấy trên fanpage bán hàng các sản phẩm nhà làm hầu hết không đăng ký kinh doanh, không trưng giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Các loại đồ ăn chế biến sẵn được rao bán trên mạng gần như không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần, nguồn gốc nguyên liệu. Các chủ trang mạng bán đồ ăn chỉ cam kết chất lượng bằng miệng và gần như nếu xảy ra bất cứ sự cố nào thì có đốt đuốc cả ngày cũng chả thấy tăm hơn người bán.

Không phải các bà nội trợ không biết theo Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định về các tiêu chuẩn lưu thông thực phẩm. Nhưng khi thu nhập người dân chưa cao, thói quen mua hàng hóa không đăng ký nhãn mác, tiêu chuẩn vẫn còn thì nỗi lo thực phẩm handmade vào dịp là có thật.

Vì vậy, kể cả khi quyết định mua thực phẩm handmade, hãy làm người tiêu dùng thông minh trước khi trông chờ vào sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần