[Tiếng dân] Nỗi niềm của những người “vác tù và hàng tổng”

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành phố đang thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố (TDP). Khi triển khai, không ít cán bộ cơ sở và bà con Nhân dân băn khoăn lo lắng khi biết sự thay đổi lớn nhất là TDP mới phải có tối thiểu 450 hộ và thôn mới tối thiểu 300 hộ; việc sáp nhập các TDP, thôn đạt dưới 50% tiêu chí đó.

Điểm khó nhất không phải là thừa cán bộ sau khi sáp nhập mà với một mô hình mới, theo quy định TDP sau sáp nhập không còn Tổ phó, trừ số ít TDP có 600 hộ trở lên thì làm sao để hoàn thành được công việc. Hà Nội có 10,9% số thôn có quy mô dưới 150 hộ, trong khi đó có tới 74,1% số TDP dưới 225 hộ.
Như vậy, số TDP phải sáp nhập theo Kế hoạch 109 ngày 29/11/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy “tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án 06-DA/TU ngày 24/9/2013” là không hề nhỏ. Trong khi đó, lộ trình thực hiện lại gấp, các quận phải hoàn thành trước ngày 10/11/2019.
Ông Nguyễn Văn Thành - Tổ trưởng TDP 36 phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai băn khoăn: “Trước chỉ có 160 hộ chung cư, tìm mặt bằng để họp đã khó, nay họp TDP có 300 - 400, thậm chí 500 - 600 đại diện hộ dân thì không biết ngồi đâu, hay dùng mô hình đại cử tri?”. Mà không tập trung được trên 50% số hộ dân thì các nghị quyết của TDP có hiệu lực hay không?
Phần lớn Tổ trưởng TDP hiện nay là các cụ hưu trí, tuổi cao sức yếu hay ốm đau, hoặc có việc riêng dài ngày, hay đi du lịch, thăm con cái không có Tổ phó thay thế thì làm sao để trôi chảy công việc.
Vậy khi không may có cụ nằm viện dài ngày, không lẽ lại phải cử cán bộ phường xuống kiêm nhiệm? Chưa kể, các cụ cao tuổi lại không quen việc dùng CNTT, lập các group zalo, facebook cơ bản vẫn hoạt động theo cách truyền thống là đến tận nhà người dân thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Với số lượng 400 - 500 hộ như vậy, sức đâu để các Tổ trưởng có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Trước có cả Tổ trưởng, Tổ phó quy mô TDP nhỏ hơn mà còn không xuể, không biết mô hình mới này phải làm thế nào đây?
Ông Nguyễn Văn Bính - cựu chiến binh ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai nhiều năm làm cán bộ Mặt trận chia sẻ: “Nói thật là dù áp dụng công nghệ thông tin đến đâu thì để vận động người dân ủng hộ các quỹ, nộp thuế, tham gia phong trào thi đua, hay đơn giản nhất là tổ chức Trung Thu cho các cháu… thì Tổ trưởng vẫn phải đến tận nhà.
Thực tế không phải đến một lần là gặp chủ nhà hay không chỉ trao đổi một lần là họ đồng thuận ngay”. Như vậy, việc làm sao bảo đảm tiến độ công việc thực sự là sức ép không nhỏ cho đội ngũ cán bộ cơ sở, những người đang tuổi đang đi làm sẽ khó lòng đảm đương được vì quỹ thời gian không có.
Sau sáp nhập TDP, theo định hướng của thành phố sẽ phân cấp nhiều cho cơ sở như vậy khối lượng của tổ trưởng TDP công việc lớn gấp nhiều lần. Với phụ cấp không lớn, tìm được đảng viên có trình độ, sức khỏe và được Nhân dân tín nhiệm bầu là việc không hề đơn giản.
Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa của đợt sáp nhập các TDP lần này thì cần phải “chuẩn hóa quy trình” làm việc của các Tổ trưởng TDP, trang bị thêm công cụ làm việc cho họ.
Câu chuyện nâng cao hiệu quả của “những người vác tù và hàng tổng” của thành phố là một chủ trương đúng, nhưng rất cần cân nhắc, thận trọng bởi nó liên quan đến đại bộ phận người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần