[Tiếng dân] Sai một ly, đi một dặm

Đèn Đường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh tháng 1/1961, nghĩa là chỉ còn vài tháng nữa là ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ “hạ cánh an toàn” nếu như ông không chỉ đạo triển khai đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đến năm 2020.

Chuyện là ngày 27/4/2015, ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ký Quyết định số 1582/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án của người tiền nhiệm ký trước đó một năm. Nội dung của đề án này là tập trung các giải pháp đào tạo nghề và thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Thay vì triển khai 5 nhóm giải pháp, ông Quyền lại cùng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn được đứng ra chủ trì tuyển học sinh THPT trên toàn quốc đi học đại học (ĐH). Ông Quyền coi “tác phẩm” này là giải pháp thứ 6, cho phép Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên ĐH Hồng Đức tuyển học sinh THPT đi học trình độ ĐH tại các trường ĐH phía Bắc như: ĐH Mỏ địa chất, Thủy lợi, Y Dược Thái Bình, Giao thông Vận tải, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông...
Có 3 điểm rất lạ của “giải pháp” này. Thứ nhất, từ năm 2015 - 2017, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên trường ĐH Hồng Đức tuyển 439 học sinh đi học ở các trường ĐH danh giá dù điểm thi thấp hơn chuẩn 1 - 2 điểm. Điểm lạ thứ 2 là đề xuất đối tượng con em có hộ khẩu Thanh Hóa nhưng trong 439 học sinh trúng tuyển chủ yếu sinh sống ở Hà Nội và các tỉnh khác.
Điểm lạ thứ 3 là việc thông báo, thu thập hồ sơ tuyển sinh đều làm rất chóng vánh, chỉ độ một tuần lễ và phạm vi hẹp, rất ít người biết đến. Một chủ trương lớn nhưng ngay Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng cho hay, ông cũng không biết về việc tuyển sinh này.
Thậm chí, ngày 31/3/2017 Sở GD&ĐT Thanh Hóa có Công văn số 602 trả lời thẳng thắn khẳng định việc đào tạo nhân lực cho Khu Kinh tế Nghi Sơn dưới hình thức tuyển học sinh THPT trên toàn quốc đi học ở các trường đại học là không có cơ sở (vì không đúng chức năng).
Chính việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) và Sở KH&ĐT – đơn vị được giao chủ trì tham mưu đã phớt lờ cảnh báo của Sở GD&ĐT khiến cho một chủ trương lớn của tỉnh khi triển khai đã bị “lệch đường ray”.
Với những sai phạm này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Đăng Quyền. Cùng bị kỷ luật với ông Quyền còn có nhiều cán bộ khác.
Đã rất lâu người ta mới thấy một địa phương “tự xử” một cán bộ cấp cao của mình. Phải chăng những thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lan tỏa đến tận cơ sở?