[Tiếng dân] Tết này nhà mình có thịt lợn không mẹ?

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá thịt lợn đã tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Hiện nay, giá lợn “nhảy múa” theo từng ngày, không có địa phương nào trong cả nước đứng ngoài cuộc đua tăng giá này.

Nhiều nơi nông dân quyết găm đàn, đẩy giá lợn hơi lên 100.000 đồng/kg mới bán, không còn cảnh:
"Ba bà đi bán lợn con
Bán đi chẳng được lon ton chạy về
Ba bà đi bán lợn sề
Bán đi chẳng được chạy về lon ton".
Nên nhớ trước khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng ở Việt Nam, giá lợn chỉ ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg, và người chăn nuôi chỉ dám mơ giá lên 50.000 đồng/kg thôi. Hai năm trước khi giá lợn rớt thê thảm, chỉ còn 20.000 - 22.000 đồng/ký khiến nông dân khắp nơi còn liên tục đăng đàn kêu gọi giải cứu.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng, hiện cả nước còn khoảng 25 triệu con lợn. Điều này báo hiệu nhiều khả năng thịt lợn sẽ biến khỏi mâm cơm ngày Tết của không ít gia đình Việt. Do dự báo không chính xác và giá thịt lợn thế giới cũng rất cao, người tiêu dùng Việt Nam lại chưa quen dùng thịt đông lạnh nên các siêu thị không dám nhập về nhiều.
Điều đáng buồn là Chính phủ vào cuộc rất sớm nhưng các giải pháp tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong cuộc họp khẩn với các bộ, ngành không được triển khai triệt để. Tại một số nơi đã có tình trạng thương lái tìm đến các trại chăn nuôi để đàm phán và chốt giá lợn Tết lên tới 105.000 đồng/kg.
Bắt đầu từ việc con số thống kế, kiểu “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” trong lúc Bộ NN&PTNT dự báo Tết Canh Tý 2020 thị trường chỉ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn thì Bộ Công Thương lại cho rằng nhiều khả năng thiếu hụt tới… 600.000 tấn thịt lợn. Sai số chỉ có… 200%.
Các giải pháp chỉ quyết liệt trên bàn họp giữa các cán bộ của Bộ NN&PTNT và Công Thương. Rất nhiều cuộc trao đổi giải pháp “cấp đông” thịt lợn đã được đưa ra rất sớm nhưng rốt cuộc chủ trương này bị… phá sản. Đơn giản là thiếu đi đầu mối chịu trách nhiệm nhập khẩu thịt lợn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khan hiếm thịt lợn trong dịp Tết này.
Để ổn định thị trường, một trong những giải pháp quan trọng làm tăng cường kiểm soát thịt lợn qua biên giới. Nhưng Bộ Công Thương khăng khăng cho rằng lực lượng quản lý thị trường, hải quan đã làm rất tốt. Trong khi Bộ NN&PTNT cho rằng, tình trạng lợn xuất tiểu ngạch qua biên giới gia tăng đáng kể, khiến lượng thịt trong nước bị thiếu hụt trầm trọng.
Chính sự bất nhất trong quan điểm giữa hai Bộ NN&PTNT và Công Thương khiến tình hình trở lên căng thẳng hơn. Bản thân người chăn nuôi cũng không thích sự bấp bênh về giá đầu ra của thịt lợn.
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ: “Người chăn nuôi cần sự ổn định, mỗi con lợn chỉ cần lời 500.000 đồng là đủ, chứ không ai muốn giá lên cao chót vót rồi lại thấp lè tè, vì thị trường bất ổn gây nhiều khó khăn cho bà con”.
"Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô", Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá - yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.
Theo đó, Hà Nội cũng được bố trí nguồn kinh phí 31.200 tỷ đồng để tổ chức triển khai kế hoạch dự trữ thực phẩm phục vụ nhu cầu các tháng cuối năm và phục vụ Tết Nguyên đán. Nhưng Tết này mâm cỗ có thịt lợn hay không vẫn là câu hỏi lớn dành cho các bà nội trợ?