[Tiếng dân] Thời gian cho 1% là bao lâu?

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông nay vẫn chưa hẹn ngày về đích. Đó là thông tin không ai mong muốn.

Ngược lại, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đang gấp rút triển khai để phấn đấu đến năm 2021 đưa vào chạy đoạn trên cao. Hai dự án có cùng mục tiêu, song chắc hẳn đang cho kết quả hoàn toàn trái ngược.
Đã hơn chục lần, con tàu Cát Linh - Hà Đông lỗi hẹn ngày khai thác thương mại. Việc vận hành chạy thử kéo dài mãi trong khi chỉ còn 1% phần công việc là sẽ hoàn tất. Và theo như lãnh đạo Bộ GTVT tải thông tin, việc hoàn thành hay không do tổng thầu thực hiện. Đó như một vật cản quá lớn, kéo theo đó là đầy sự nghi ngại.
Đến nay, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành cơ bản các hạng mục xây lắp nhà ga và depot, đã thực hiện công tác nghiệm thu 2 trong 5 hạng mục công trình xây dựng cơ bản; 3 hạng mục còn lại vẫn tồn tại cả về hiện trường và hồ sơ, chưa đủ điều kiện nghiệm thu vẫn đang được tổng thầu chỉnh sửa và khắc phục các tồn tại...
Chỉ còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán... nên không ít người dân hy vọng dự án sẽ sớm về đích. Tuy nhiên, nếu như thông tin phải cần thêm 50 triệu USD dự án mới có thể vận hành là sự thật thì nó quả như vật cản khiến nhiều người phải giật mình!
"Chúng tôi vẫn luôn mong mỏi đường sắt Cát Linh - Hà Đông sớm đưa vào khai thác. Chứ cứ thi thoảng chạy thử nghiệm thế này, thật sót xa. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này? Nếu cứ chỉ "nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm" thì thật không ổn" - một người dân chia sẻ.
Trong Thông cáo báo chí phát đi ngày 2/6, Bộ GTVT khẳng định, số tiền 50 triệu USD là giá trị đã hoàn thành mà Tổng thầu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị Chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của Hợp đồng. Hiện nay, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%.
Về phía Ban Quản lý dự án Đường sắt, dù ghi nhận những khó khăn về tài chính của Tổng thầu nhưng cơ quan này đánh giá, việc Tổng thầu đề nghị thanh toán như trên là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của Hợp đồng EPC và các Phụ lục hợp đồng đã ký...
Bộ GTVT tiếp tục khẳng định đang tích cực phối hợp cùng UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan để giải quyết những vấn đề thủ tục, cũng như những vướng mắc, sớm đưa nhân sự của Tổng thầu và các đơn vị tư vấn quay lại Việt Nam nhằm triển khai các phần việc còn lại để hoàn thành dự án.
Việc càng kéo dài thời gian vận hành dự án Cát Linh - Hà Đông sẽ càng mất dần ý nghĩa xã hội, kinh tế... Cũng vì thế, với một dự án trì trệ và để lại nhiều tiếng tăm, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng như trên, người dân cả nước quan tâm nhất là đáp án về trách nhiệm của cá nhân, tập thể gây ra việc này!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần