[Tiếng dân] Thói quen khó bỏ?

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, hiện nay đang vào cao điểm vụ thu hoạch lúa chiêm xuân, tình trạng đốt rơm, rạ trên các cánh đồng lại diễn ra tràn lan.

Chính quyền các cấp, lực lượng chức năng đã có khuyến cáo, nhưng do thói quen của người dân và cả sự thiếu quyết liệt của chính quyền khiến câu chuyện này vẫn tồn tại, bất chấp hiểm nguy.
Mỗi buổi chiều, nhiều cánh đồng tại các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì… trở thành "biển lửa và khói". Do nhu cầu rơm rạ không còn như trước và hiện nay đa phần người ta sử dụng máy gặt để thu hoạch lúa, vậy nên nhiều hộ nông dân đã không thu thứ phụ phẩm nông nghiệp kia về nhà. Rơm rạ được rải đều theo lối đi của máy gặt, gặp thời tiết nắng nóng, chỉ cần vài hôm đã khô giòn và để tiện canh tác cho vụ sau mà khỏi tốn công thu dọn, cách tốt nhất là… đốt!
Và từ những cánh đồng ấy, khói lửa theo gió bao trùm nhiều vùng quê, cộng với thời tiết nắng nóng, khiến không khí trở nên ngột ngạt. Bởi vậy, tiếng là nông thôn, nhưng nhiều nơi ô nhiễm khói bụi từ việc đốt rơm rạ không kém gì khí thải từ phương tiện giao thông trong nội đô mỗi lúc tắc đường.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường tại chỗ, khói, bụi tro từ việc đốt rơm rạ, đã ảnh hưởng đến cả khu vực nội đô; bởi các vùng ven đô vẫn còn rất nhiều diện tích đất trồng lúa. Những ngày này, nhiều khi không cần phải về quê, người TP vẫn cảm nhận được “mùi vị quê hương” qua mùi khói từ việc đốt rơm rạ.
Việc đốt rơm rạ không những làm cho môi trường không khí ở Hà Nội thêm ô nhiễm mà còn là một sự lãng phí tài nguyên. Được biết, TP cũng đã có chỉ đạo nghiêm cấm đốt rơm rạ để giải quyết vấn đề ô nhiễm, giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông vì khói lửa, bụi bặm cản trở, hạn chế tầm nhìn. Các ngành chức năng cũng đã vào cuộc, nhiều đoàn kiểm tra được thành lập, nhiều cuộc họp bàn giải pháp được đưa ra. Nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Nhưng dường như, đốt rơm rạ vẫn là một thói quen khó bỏ.
Theo tìm hiểu của người dân, nếu thu gom được rơm rạ để chế biến nguyên liệu hữu sinh như nấm, hoặc tận dụng làm thức ăn chăn nuôi cho trâu bò thì rất tốt. Để chấm dứt được tình trạng đốt rơm rạ, nên chăng thay vì dừng ở những chỉ đạo, giải pháp chung chung, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác hỗ trợ người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch, như: Kết nối với DN trong thu mua rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm phân bón; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ với chính cuộc sống của bản thân và những người xung quanh.