[Tiếng dân] Thưởng Tết và nỗi niềm người nhận thưởng

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bộ LĐTB&XH cho biết, khoảng 89,3% số doanh nghiệp báo cáo dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 1 tháng lương (6,71 triệu đồng/người), tăng 7,1% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2019.

Đây là thời điểm, người lao động mong chờ nhất món tiền thưởng trong năm. Con số tiền thưởng chính là sự ghi nhận những đóng góp của người lao động trong suốt một năm làm việc, cống hiến cho quá trình phát triển của DN. Sau 12 tháng làm việc vất vả, người lao động mong ngóng được một khoản thưởng Tết để có thêm chi phí trang trải cho gia đình, vợ con.
Số tiền thưởng còn thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của DN, một chỉ số “uy tín phát triển” của đơn vị. Đa phần mức thưởng Tết dành cho người lao động chỉ dừng lại ở tháng lương thứ 13. Thậm chí nhiều công ty do làm ăn khó khăn, chỉ có thể dành phần kinh phí ít ỏi động viên công nhân trong dịp Tết đến, Xuân về kiểu “méo mó, có hơn không”...
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, tiền thưởng Tết của Công ty TNHH Một thành viên 100% vốn Nhà nước 6,12 triệu đồng/người, bằng năm 2019; công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước 7,53 triệu đồng/người, tăng 10,6% so với 2019; DN dân doanh 6,27 triệu đồng/người, tăng 0,5% so với 2019; DN FDI 6,91 triệu đồng/người, tăng 11,1% so với 2019.
Mức thưởng cao nhất cho một cá nhân dịp Tết Nguyên đán là 950 triệu đồng/người tại DN dân doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa sinh học tại tỉnh Hải Dương.
Mặc dù tại Khoản 1, Điều 104, Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019, vừa được Quốc hội thông qua và sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2021 cho phép: Thay vì chỉ thưởng Tết cho người lao động bằng tiền mặt như trước đây, chủ DN sẽ có thêm lựa chọn bằng cách trả bằng hiện vật hoặc các tài sản khác có giá trị tương đương.
Nhiều DN năm nay đã áp dụng quy định về "thưởng" thay vì "tiền thưởng" đã khiến người lao động phân vân. Như thế thay vì tiền, doanh nghiệp đã thưởng bằng tài sản hoặc bằng các hình thức khác như chính hàng hóa, dịch vụ của DN… mà người công nhân không có quyền được chọn hình thức nhận thưởng Tết.
Đây là điều khiến cho nhiều người lao động lo lắng bởi có bao nhiều DN thì có bấy nhiêu cách thưởng khác nhau. Không ít đơn vị thưởng cả xe máy, thậm chí ôtô do mình lắp ráp nhưng lại yêu cầu phải sử dụng ít nhất… 3 năm. Có công ty sản xuất thức ăn gia súc, người lao động… dở khóc, dở cười. Khi thưởng Tết bằng hiện vật là những thứ mà người lao động không cần, không phục vụ được nhu cầu thiết thực trong cuộc sống của họ thì phần thưởng đó không còn ý nghĩa, giá trị nữa. Thậm chí nó còn có tác dụng ngược, khiến người lao động càng chán nản với công ty.
Nhiều người sử dụng lao động quên mất mức thưởng và hình thức thưởng Tết hợp lý sẽ là động lực để người lao động gắn bó lâu dài với DN, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển DN. Thực tế, qua khảo sát thì đại đa số người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đều mong muốn được nhận thưởng Tết bằng tiền mặt, tất nhiên càng cao càng tốt.
Vì vậy, để cân bằng lợi ích của DN và người lao động, hơn lúc nào các ông chủ, người đứng đầu công ty cần tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đó chính là giải pháp vô cùng hữu hiệu để DN giữ chân công nhân, khiến họ trung thành và gắn bó lâu dài. Người lao động không chỉ cảm nhận mình là người làm thuê, mà còn là “tài sản” quan trọng của DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần