[Tiếng dân] Tin vui đầu năm

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi nghiên cứu thành công trên động vật, Viện Vaccine và sinh phẩm (IVAC) đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm vaccine Covid-19 Covivac trên người vào tháng 1/2021, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Đây là đơn vị thứ 2 của Việt Nam thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người, thực sự là tin vui đầu năm của người dân.

- A lô, xin chúc mừng năm mới toàn thể anh chị em phóng viên quý báo, tôi là một bạn đọc thường xuyên của Kinh tế & Đô thị (cuộc gọi đầu năm đến tòa soạn).
- Vâng, thưa bác! .

- Nhân dịp đầu năm, tôi chỉ muốn chia sẻ tin vui, đến giờ Vaccine Covid-19 của IVAC đã được thử nghiệm trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ... Kết quả cho thấy vaccine tạo được miễn dịch cao trên động vật (độc giả chia sẻ).

- Thưa bác, trước đó NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 (Nanocovax) trên người từ ngày 17/12/2020 và đã tiêm 2 liều (25mcg và 50mcg trên người tình nguyện); hiện sức khỏe người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường; như vậy IVAC là nhà nghiên cứu vaccine Covid-19 thứ hai tại Việt Nam, đúng là tin vui đầu năm (tòa soạn tiếp chuyện).

- Chính xác, vaccine Covivac đã được đánh giá tốt tại Mỹ và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Với kết quả đánh giá rất khả quan, vì thế nhà sản xuất và Bộ Y tế đã cùng dự định đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm trên người sớm hơn 1 tháng, dự kiến vào ngày 21, 22/1 tới. Trong bối cảnh Covid-19 biến chủng Anh đang lan truyền, cuộc thử nghiệm sẽ thực hiện tại Đại học Y Hà Nội được coi là tin vui (độc giả của Kinh tế & Đô thị hân hoan).

Người trực tòa soạn thông báo: Theo TS Dương Hữu Thái, IVAC bắt đầu thực hiện nghiên cứu vaccine Covivac từ tháng 5/2020 với mục tiêu sản xuất được vaccine và hoàn thành thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn trong 18 tháng. Như vậy, tiến độ nghiên cứu của IVAC nhanh hơn gần 2 tháng.

- Việc thử nghiệm lâm sàng vaccin lần này được thực hiện như thế nào, thưa nhà báo? (Độc giả đặt câu hỏi).

- Theo đúng như quy trình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, IVAC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng vaccine. Vaccine sẽ được chia ra nhiều hàm lượng liều khác nhau ứng với liều tiêm khác nhau và được thử với nhiều nhóm đối tượng qua ba giai đoạn. Dự kiến liều lượng tiêm cho mỗi đối tượng là 1mcg, 3mcg và mỗi đối tượng tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày.

- Tiêu chuẩn của tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine như thế nào?

- Được biết, tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 có độ tuổi từ 18 đến 59, ngoài việc khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ, cùng những tiêu chí đặc thù khác của y tế do Đại học Y Hà Nội công bố.

- Thế bao giờ Việt Nam chúng ta sẽ có vaccine Covid-19, các nhà báo có nắm được không?

- Thưa bác, giai đoạn 1 dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 4/2021. Nếu kết quả của 3 giai đoạn đều tốt, vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2021 (phóng viên Kinh tế & Đô thị khẳng định).

Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã và đang thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19. Đây thực sự là tin vui đối với các nhà khoa học và toàn thể người dân Việt Nam.