[Tiếng dân] Truyền thông nguy cơ

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối diện với virus corona lần này, dường như chính quyền cùng lúc phải chiến đấu trên 2 lĩnh vực: dịch bệnh và nỗi sợ hãi của công chúng. Từ khóa hót nhất là “khẩu trang”, nếu như ngày 31/1/2020 hàng ngàn người dân đổ xô tới chợ thuốc Hapulico, trên đường Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội mua khẩu trang.

Lập tức giá mặt hàng này đã bị các quầy thuốc đẩy lên cao hơn gấp 7 - 10 lần so với thông thường, tạo nên cảnh chen lấn, xô đẩy chưa từng có tại đây. Ngay sau đó, đội quản lý thị trường số 1 đã phát hiện và quyết định xử phạt 5 quầy thuốc bán khẩu trang không có bảng niêm yết giá, tăng giá khẩu trang thì đến ngày 3/2 chợ thuốc lớn nhất Hà Nội đồng loạt trưng biển không bán khẩu trang, nước rửa tay khô (??!).
Không nhiều người dân biết, đeo khẩu trang thực chất là để hạn chế các dịch tiết có thể mang theo virus lây từ người này sang người khác. Vì thế, việc đeo khẩu trang có ý nghĩa hạn chế khả năng bạn có thể lây bệnh cho người khác (khi ho, hắt hơi chẳng hạn) hơn là để giúp bạn phòng chống virus. Nó càng không có khả năng diệt virus.
Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo là chỉ những người có triệu chứng nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với người bệnh mới cần phải đeo khẩu trang. Người khỏe mạnh thì không nhất thiết, chỉ đeo ở trong một số trường hợp.
Đua xu hướng corona diễn trên mạng xã hội lây lan với tốc độ chóng mặt. Ngạc nhiên nhất là Phạm Hoàng Giang (sinh năm 1999, quận Liêu Chiểu, TP Đà Nẵng) tự ý sửa kết quả xét nghiệm bị sốt xuất huyết thành dương tính với virus corona. Khi được cơ quan CA mời lên thì anh ta mới khai “làm thế cho nổi tiếng trên facebook”.
Công an huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cho biết, ngày 31/1, đơn vị này đã triệu tập và lập biên bản đối với chị M.T.T (21 tuổi, ngụ tại xã Nga Yên, huyện Nga Sơn). Để “câu view” chị T. đã dùng tài khoản facebook cá nhân đăng tải thông tin trên địa bàn huyện Nga Sơn đã có người nhiễm virus corona.
Cũng để “câu view” chị H.T.V.T (25 tuổi, ngụ tại phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa), đã đăng thông tin trên facebook với nội dung: “Đêm nay nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cúm corona trên bầu trời toàn quốc, nên mọi người hãy chia sẻ cho nhau. Không nên ra đường trong khung giờ từ 4 - 7 giờ 30 sáng mai 1/2, nếu có việc phải ra đường thì nên đeo khẩu trang”.
Rồi có bà hiệu trưởng ở Hải Phòng “ngủ quên” trong đại dịch. Đến khi Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV tại trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận Dương Kinh) thấy nhà trường vẫn chưa tiến hành dọn dẹp tổng vệ sinh tại khu vực lớp học, bàn ghế chưa được lau chùi, có nhiều bụi bẩn, bề mặt sàn các lớp học trong tình trạng nhếch nhác… đến nỗi bị điều chuyển công tác.
Trong bối cảnh, Công ty CP dược Codupha – CN Tây Nguyên (TP Buôn Mê Thuột) thay vì bán giá cao 30.000 khẩu trang đã đem tặng hết các em học sinh tiểu học trong vùng. Có em nhỏ ở Hà Nội lại đập lợn tiền mừng tuổi mua hàng trăm khẩu trang phát miễn phí cho người đi đường.
“Trung tâm y tế quốc tế của Nhật Bản cũng ra thông báo, các nhà máy và công xưởng của Nhật đang ra sức làm việc để cung cấp dụng cụ y tế, khẩu trang cho Trung Quốc. Nhật Bản sẽ điều máy bay đến đón người Nhật về nước nhưng chiều đi sẽ không phải là trống rỗng mà là đầy ắp hàng cứu trợ Vũ Hán. Trên khắp Osaka và Tokyo đều nhìn thấy những dòng chữ "Trung Quốc cố lên, Vũ Hán cố lên!”.
Trong ứng phó đại dịch bệnh có một khái niệm gọi là truyền thông nguy cơ, phải làm cho người dân tin vào chính quyền thì mọi người mới tuân thủ các biện pháp và chủ động ứng phó dịch bệnh. Làm được điều đó dịch bệnh virus corona mới có thể giải quyết căn bản.