[Tiếng dân] Xóa bỏ bếp than tổ ong và câu chuyện gần dân

Đèn Đường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 6/2020, toàn TP đã giảm được 41.700 bếp than tổ ong, đạt 72,8% kế hoạch.

Như vậy Hà Nội, hiện còn 15.000 bếp than tổ ong, tập trung ở các địa phương như Hoàng Mai 2.000 bếp, Ba Đình 1.600 bếp, Đan Phượng 800 bếp…Nghĩa là cả quận nội thành lẫn các huyện đều đang phải tiếp tục chiến dịch “vì một Hà Nội không có bếp than tổ ong”.

Theo quy định, sau ngày 1/1/2021, cá nhân, hộ gia đình nào còn sử dụng bếp than tổ ong sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Không ít người cho rằng, chỉ sau 5 tháng nữa, vì sợ phạt, người dân sẽ chấp hành và viễn cảnh một Hà Nội không có bếp than tổ ong sẽ trở thành hiện thực. Nhưng nhìn các tổ dân phố, các phường đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 cho thấy, không thể ngồi đợi như thế được.

Trước hết, để giảm hơn 41.000 bếp than tổ ong trong thời gian qua, các cấp, ngành Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và gặp gỡ trực tiếp, hỗ trợ kinh phí, đổi bếp than lấy bếp gas, bếp từ. Muốn chấm dứt sự tồn tại của 15.000 bếp than tổ ong còn lại vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, từ đó làm thay đổi nhận thức của người dân về tác hại của khói bếp than tổ ong. Kèm theo đó là các giải pháp mềm dẻo, thích hợp.
Dạo quanh một vòng Hà Nội, ngay cả những khu phố cổ như Gia Ngư, Hàng Dầu, Cầu Gỗ... (quận Hoàn Kiếm) hơn ai hết những người dân nơi đây hàng ngày phải hít thở khí than do mình sử dụng. Nhưng vì mưu sinh, người dân vẫn quạt lò trong những ngày nắng nóng.
Ngoài những người dân dùng bếp than để đun nấu bữa cơm gia đình, còn rất nhiều hộ bán hàng ăn, trà đá trên các tuyến phố đã sử dụng bếp gas, bếp điện để đun nấu. Việc thay đổi sang nấu bếp điện, bếp từ sẽ bớt đi nhem nhuốc, vất vả hơn nhiều nhưng nó lại liên quan đến vấn đề túi tiền. Như vậy, việc tuyên truyền, vận động với từng đối tượng phải có các kịch bản riêng mới hiệu quả.
Một cán bộ phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Khi nắm bắt được danh sách phường có 50 hộ dùng than tổ ông, phường cử người xuống vận động 38 hộ bán hàng ăn về tác hại của khí than đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Hiểu ra vấn đề, bà con tự giác chấp hành”.
Con số 12 hộ chính sách còn lại, qua khảo sát thấy đời sống bà con thực sự khó khăn, cần có sự trợ giúp. Thế là phường đã qua các kênh khác nhau kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, trích kinh phí mua bếp từ, bếp gas đổi lấy bếp than tổ ong của các gia đình này. Vì thế, việc tưởng như rất khó nhưng với những cách làm sát dân, vì dân như thế phường Hàng Bạc đã “về đích” sớm hơn quy định hơn nửa năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần