Tiếng kêu cứu từ đình Tiền Lệ

Vũ Minh Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 2011, thế nhưng đình Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

 Đình Tiền Lệ đang xuống cấp.
Chúng tôi đến thăm ngôi đình Tiền Yên vào một buổi chiều muộn. Ngôi đình hoang vu, vắng vẻ đến lạ kỳ. Không một ai trong số những người mà chúng tôi gặp không nói về sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đình này. Cụ Nguyễn Đình Kính, 70 tuổi, thủ từ đã nhiều năm của ngôi đình cho biết, đình được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, ước tính vào khoảng thế kỷ thứ XVII. Đình đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2011. Thế nhưng đến nay đình bắt đầu có những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể, những hạng mục trong ngôi đình gần như bị hư hại rất nặng. Hệ thống rường cột bị mối mọt, mục nát, không còn đủ sức chống đỡ toàn bộ ngôi đình; Mái ngói xô lệnh, lún võng quá nhiều. Sau mỗi trận mưa là nước tuôn xối xả vào hậu cung, làm cho toàn bộ ngôi đình bị ngập nặng. Trước tình trạng đó, từ năm 1994, bà con nơi đây đã kêu gọi nguồn kinh phí từ xã hội hóa hỗ trợ việc trùng tu, tuy nhiên tính thời điểm này công tác này không còn được duy trì. Hiện nay, nhiều mảng ngói lớn tại các vị trí phía Bắc, phía Nam của đình dần bị rơi vỡ; Dầm, mè nâng đỡ mái đình phần lớn bị hư hại rất nặng. Kèo, cột gỗ bị mối xông, trở nên mục xuỗng. Những cánh cửa sổ bị thủng lỗ rỗ, đành phải dùng những cột tre, nứa để chống đỡ tạm thời.

Gần 20 năm trông coi ngôi đền, chứng kiến cảnh tượng đó, cụ Kính không khỏi xót xa: “Từ khi đình xuống cấp, chúng tôi đã có đơn kiến nghị gửi lên xã, huyện xin kinh phí trùng tu lại, nhưng vẫn chưa thấy có gì. Điều đó khiến bất cứ ai sống trong cụm dân cư cũng cảm thấy lo ngại. Mỗi lần trời mưa, nước lại theo 10 vị trí xuống cấp nhất chảy lênh láng vào hậu cung. Ở những vị trí xuống cấp đó, chúng tôi phải sử dụng cột gỗ để gia cố, chống đỡ, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời”.
 Những bờ tường bao quanh toàn bộ ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tuy có giá trị kiến trúc như vậy, song theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng thôn Tiền Lệ, hiện nay việc trùng tu, tôn tạo lại khu di tích cũng đang vấp phải khó khăn, bởi địa phương vẫn phải trông chờ vào nguồn kinh phí của Nhà nước. Nhiều lần xã đã kiến nghị lên cấp huyện, TP để sớm có phương pháp “cứu trợ”, bố trí nguồn ngân sách trùng tu đình, nhưng việc phê chuẩn đầu tư vẫn còn chậm, gặp phải một số vướng mắc thủ tục hành chính.
“Là một di tích cấp Quốc gia, để sửa chữa cần có phương án cụ thể. Địa phương đã có đề xuất, thông tin phản hồi là huyện đã rót nguồn ngân sách khoảng 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, địa phương lại rất khó huy động nguồn xã hội hóa để đối ứng. Khả năng huy động nguồn kinh tế từ địa phương đang gặp phải những khó khăn nhất định, bởi dân cư chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp” - ông Hà cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đình Tiền Lệ không chỉ xuống cấp, mà còn không ít lần bị mất trộm đồ tế lễ do không có tường rào, hệ thống cửa bảo vệ. Gần đây nhất là vào khoảng năm 2012, trộm vào đình lấy đi toàn bộ các bức hoành phi, câu đối có niên đại hàng trăm năm trên gian đại bái. Vụ việc đã được trình báo lên cơ quan chức năng, tuy nhiên đến nay những cổ vật đó vẫn bặt vô âm tín. Dù sự việc đã xảy ra từ lâu, nhưng đến nay dư luận vẫn còn nhớ, cho rằng đình không có hệ thống bảo vệ là cơ hội thuận lợi để trộm dễ dàng vào đình.

“Đình Tiền Lệ vẫn đang kêu cứu. Nếu không có phương án trùng tu sớm, rất có thể những di sản địa phương có nguy cơ biến mất. Các hộ dân chúng tôi tha thiết đề nghị các cấp lãnh đạo, nhà quản lý văn hóa đình sớm có phương án trùng tu, sửa chữa để có nơi hội họp, sinh hoạt tâm linh” - cụ Nguyễn Đình Kính bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần