Tiếng tơ trong lòng Hà Nội

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm quảng bá, lưu giữ những nét đẹp của nghề truyền thống, trong tháng 12, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa chủ đề "Tiếng tơ" với nhiều nội dung đa dạng. Nổi bật là không gian trưng bày nghề dệt lụa truyền thống của xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Lê Minh Hằng (8 tuổi) thực hành cách lấy tơ sen. Ảnh: Lại Tấn.
Câu chuyện về tiếng tơ
Những ngày này, con phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở nên lung linh hơn bởi hàng trăm chiếc khung cửi và đèn lồng được thắp sáng. Xung quanh con phố nhỏ, người dân Thủ đô rỉ tai nhau câu chuyện về tiếng tơ và nghề dệt truyền thống, về triển lãm trưng bày tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ). Tại địa chỉ văn hóa này, du khách trong nước và quốc tế được tận mắt chứng kiến hàng trăm con tằm nhả tơ, kéo kén kết thành những tấm thảm bông phẳng mịn, bền chắc tự nhiên mà không kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp.
Đến triển lãm “Câu chuyện về tiếng tơ”, Youta (quốc tịch Bỉ) tò mò với hình ảnh những kén tằm vàng ươm. “Tôi ngạc nghiên khi người Việt Nam có thể nuôi, điều khiển những con tằm để tạo ra nguyên liệu, sử dụng trong dệt may” - Youta chia sẻ.
Sen vốn là loài cây khá phổ biến, mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Nếu làm lụa bằng tơ sen sẽ tạo nên một sản phẩm hết sức đặt biệt và tạo thêm thu nhập cho người làm nghề dệt.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận
Ít ai biết rằng, những năm 70 của thế kỷ trước, dâu tằm bị thất sủng, nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén, hợp tác xã chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề. Thương con tằm “không nơi nương tựa”, một số người dân Phùng Xá âm thầm gây dựng lại nghề. Ngày ngày, họ đạp xe hơn 20km đi xin lá dâu ở nông trường Thanh Hà, tỉnh Hòa Bình về cho tằm ăn. Từ đó, nghề trồng dâu nuôi tằm khởi sắc, bắt đầu phục hồi. Đặc biệt, năm 2012, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá) lần đầu tiên làm được sản phẩm chăn tơ do tằm tự dệt. Từ sản phẩm này, bà đã cho ra đời nhiều tấm chăn, các loại gối chất lượng cao được xuất khẩu sang Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và các quốc gia châu Âu.
Cũng tại triển lãm, bên cạnh việc xem các sản phẩm thủ công từ sợi tơ của làng nghề Phùng Xá, du khách còn được tận mắt chứng kiến “nghệ nhân nhí” Lê Minh Hằng (8 tuổi) trình diễn cách làm sợi tơ từ hoa sen. Để lấy được tơ sen, đòi hỏi người làm phải cẩn thận, dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời lăn tay miết cho tơ tròn lại. Nếu cắt quá sâu, tơ sen sẽ bị đứt. Có thể nói, làm tơ từ cuống sen chính là một trong những sáng tạo tuyệt vời của người dân xã Phùng Xá.
Trẻ em trải nghiệm cách tằm dệt sợi tự nhiên tại triển lãm Câu chuyện về tiếng tơ. Ảnh: Lại Tấn
Phát triển nghề truyền thống
Năm 2016, Bộ KH&CN đã đồng ý cho Viện Kinh tế sinh thái thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen” với sự hợp tác của Myanmar. Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã được chọn để phối hợp thực hiện đề tài. Với đam mê và luôn muốn chinh phục những điều mới mẻ, bà Thuận bắt tay vào làm thử.
Ban đầu, ngay cả gia đình cũng không tin bà Thuận có thể làm lụa tơ sen thành công, nhất là không ai truyền dạy kỹ thuật. Tin vào bản thân, bà đóng cửa ở trong nhà một mình nghiên cứu hàng tháng trời. Sau 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho ra đời những chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ sen. "Tất cả công đoạn tạo ra sợi tơ của sen đều phải chỉn chu và rất cầu kỳ. Để dệt chiếc khăn dài 1,7m, rộng 0,25m cần tới 4.800 cuống sen. Trong khi đó, một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200 – 250 cuống sen. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất một tháng" - bà Thuận chia sẻ.
Dành cả cuộc đời gắn bó với từng sợi tơ, đường chỉ, nghệ nhân Phan Thị Thuận giờ đây vẫn còn đang tiếp tục truyền lửa, lưu truyền nghề dệt truyền thống đến thế hệ mai sau.