Tiếp bài nhếch nhác chợ tạm Ngã Tư Sở: Đến lúc phải cưỡng chế

Bài, ảnh: Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế & Đô thị ngày 25/8 có bài “Nhếch nhác chợ tạm Ngã Tư Sở” phản ánh việc chủ sở hữu các ki ốt dọc tuyến đường Láng (phường Láng Hạ) buông lỏng quản lý để các tiểu thương tổ chức kinh doanh sai quy định.

Sau khi Báo phản ánh, lãnh đạo quận Đống Đa khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu chủ sở hữu tái phạm.

Chủ sở hữu thiếu hợp tác

Chợ Ngã Tư Sở được đưa vào sử dụng năm 1987, sau hơn 10 năm hoạt động đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 98/QD – UBND ngày 8/1/2009 về việc phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, chợ Ngã Tư Sở với quy mô 22 - 25 tầng, thời gian hoàn thành trong tháng 4/2011. Để triển khai xây dựng, TP đã cho phép liên danh trúng thầu (đại diện là Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Tài sản Việt Nam) tổ chức dựng 790 ki ốt chợ tạm trên đường Láng, đoạn giáp với sông Tô Lịch.

Các tiểu thương kinh doanh trái phép tại khu vực chợ tạm Ngã Tư Sở.

Tuy nhiên, ngày 1/8/2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4095/QĐ – UBND thu hồi Quyết định 98 theo đề nghị của đơn vị trúng thầu khi không thể triển khai theo quy mô được phê duyệt do mắc phải quy định hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong khu vực 4 quận nội thành. Và để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đơn vị trúng thầu khi đã tổ chức xây dựng các ki ốt chợ tạm, lập dự án đầu tư và thiết kế, UBND TP yêu cầu Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Tài sản Việt Nam lập hồ sơ báo cáo quyết toán các chi phí đã thực hiện dự án, lựa chọn đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán các chi phí đã sử dụng, gửi Sở Tài chính để đơn vị này có căn cứ báo cáo TP hoàn trả số tiền mà liên danh nhà thầu đã bỏ ra. Thế nhưng đến thời điểm này, dù Sở Tài chính đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Tài sản Việt Nam hoàn thiện các thủ tục trên nhưng đơn vị này vẫn bất hợp tác.

Đề xuất cưỡng chế nếu cần thiết

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn cho biết, vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý hơn 400 ki ốt chợ tạm còn lại (hơn 300 ki ốt đã giải tỏa và được đền bù phục vụ dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông) chính là việc xác định kinh phí mà chủ đầu tư đã bỏ ra để triển khai dự án. Và theo báo cáo của đại diện liên danh nhà đầu tư, hiện số tiền mà các đơn vị này đã bỏ ra là khoảng 35 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo quận Đống Đa, không thể phủ nhận số tiền mà liên danh đã bỏ ra để triển khai dự án, nhưng chính xác là bao nhiêu cần phải có các cơ quan kiểm toán vào làm việc. Tuy nhiên, sự thiếu hợp tác của nhà đầu tư, buông lỏng quản lý các ki ốt đã khiến công tác quản lý Nhà nước tại khu vực này gặp không ít khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, ông Trịnh Hữu Tuấn cho biết, trong thời gian tới, quận Đống Đa sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của TP đốc thúc liên danh nhà đầu tư sớm hoàn thiện các số liệu tài chính có liên quan đến dự án để làm hồ sơ xin bồi thường cho chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư vẫn hết lần này đến lần khác bất hợp tác, UBND quận sẽ kiến nghị UBND TP cho phép tổ chức cưỡng chế GPMB, đền bù theo đúng quy định hiện hành của TP.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, bộ mặt đô thị trên địa bàn quận Đống Đa nói riêng và TP Hà Nội nói chung đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại những “điểm nóng”, như khu vực chợ tạm Ngã Tư Sở. Do vậy, biện pháp cưỡng chế thu hồi đất GPMB đã đến lúc cần được đưa lên bàn cân.

Ngày 4/4/2017, chủ trì cuộc họp về công tác đầu tư phát triển chợ trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã giao Sở KH&ĐT phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài chính tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp để dự thảo Tờ trình của UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách đầu tư xây dựng, cải tạo chợ dân sinh trên địa bàn TP, trong đó có chợ Ngã Tư Sở.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần