Bỏ chế độ công chức, viên chức đối với giáo viên: Có thể ngành giáo dục đi trước...

Trung Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất của Bộ GD&ĐT thí điểm bỏ công chức, viên chức (CCVC), thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên (GV) làm “nóng” trong dư luận suốt những ngày qua.

Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nên ủng hộ Bộ GD&ĐT để đổi mới giáo dục.
Quan điểm của ông thế nào trước đề xuất của Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm bỏ CCVC, thay bằng chế độ hợp đồng với GV?

- Hiện nay, cách chúng ta đang sử dụng người lao động vẫn theo tư duy quan liêu bao cấp. Ngành giáo dục cũng như ngành khác sử dụng CCVC chưa hiệu quả, không phù hợp. Một minh chứng rất thực tế là khu vực tư nhân, tuyển được nhiều người giỏi, công việc vì thế cũng rất hiệu quả. Tại sao chúng ta không phát triển theo hướng đó? Trong khi ngành giáo dục nói riêng và lao động viên chức nói chung của ta hiện nay đều rất thừa. Đối với ngành giáo dục, chất lượng giáo dục có nhiều yếu tố tác động, trong đó yếu tố quyết định là đội ngũ nhà giáo. Chúng ta đang loay hoay thay đổi chương trình, sách giáo khoa, thi cử…, nhưng không thay đổi người thầy thì không thể mang lại hiệu quả. Theo tôi, dù khó khăn, nhưng nên ủng hộ Bộ GD&ĐT, ủng hộ Chính phủ để tìm cách cải tiến. Có thể ngành giáo dục thí điểm đi đầu việc bỏ CCVC thay thế bằng hợp đồng, sau đó tất cả các ngành khác sẽ làm. Câu chuyện giáo dục hôm nay nhưng mở ra cho sự phát triển của đất nước thì chúng ta sẵn sàng ủng hộ.

Ông có cho rằng bỏ chế độ CCVC sẽ loại bỏ được tiêu cực trong việc “chạy” viên chức mà nhiều người bàn luận?

- Tôi cho rằng, ngành giáo dục của chúng ta chưa dựa vào những quy luật tích cực của nền kinh tế thị trường. Bây giờ thay đổi GV là dựa vào quy luật tích cực của kinh tế thị trường và phải luôn làm giáo dục ngày nay phải tốt hơn ngày qua. Mỗi trường học phải là một thương hiệu, học sinh, cha mẹ học sinh phải là "thượng đế". Tuy nhiên, giáo dục của chúng ta hiện nay mất dân chủ, đang bị những mặt trái của kinh tế thị trường lũng loạn. Như việc dạy thêm, học thêm là một ví dụ, và chuyện chạy chức chạy quyền không chỉ ngành giáo dục mà các ngành khác cũng không ít. Nếu chúng ta sòng phẳng với nhau, đánh giá năng lực và sự cống hiến của mỗi con người bằng tâm huyết, sự sáng tạo của mỗi GV một cách đúng đắn, chắc chắn chúng ta đẩy lùi được căn bệnh “chạy viên chức” nhanh chóng.

Nếu bỏ biên chế với GV, thì cấp quản lý như hiệu trưởng, hiệu phó cũng nên thực hiện như vậy?

- Theo tôi, hiệu trưởng, hiệu phó cũng là GV giỏi được đề bạt lên, họ cũng phải "cùng hội cùng thuyền". Nếu hiệu trưởng, hiệu phó là viên chức không ai động đến được thì chắc chắn họ cũng không tuyển GV được, việc tuyển GV sẽ méo mó. Do đó, tất cả cán bộ công nhân viên chức ở các nhà trường, từ lãnh đạo đến nhân viên đều thực hiện theo cơ chế bỏ viên chức, thay bằng hợp đồng lao động.

Gần đây liên tục có nhiều thay đổi về chương trình, sách giáo khoa, thi cử, đánh giá học sinh... được đưa vào thí điểm, nhưng lương của GV vẫn “dậm chân tại chỗ”. Nếu vẫn duy trì như vậy thì làm sao thu hút được GV giỏi vào trường công?

- Đây là nhận xét rất hay và đúng. Như đã nói ở trên, 3 khâu trong xây dựng đội ngũ GV là: Đào tạo bồi dưỡng, tuyển chọn, đãi ngộ…, nhưng chúng ta làm rất chậm khâu đãi ngộ. Và cuộc cách mạng về đội ngũ GV lần này nếu không để nhà giáo sống được bằng nghề, chỉ đòi hỏi họ cống hiến mà không bù đắp để họ cũng được sống đàng hoàng như những người giỏi ở những ngành khác, thì chắc rằng "cuộc chơi" này sẽ không ai tham gia, nhất là thế hệ trẻ. Ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến đều phải đào tạo GV rất chuẩn, đãi ngộ cũng rất tốt. Như ngành y đào tạo rất lâu và lương thực sự cao. Vậy tại sao chúng ta không làm cuộc cách mạng trong giáo dục một cách triệt để về đội ngũ nhà giáo bằng tiền lương? Lương GV hiện tại không tương xứng với chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu…”. Theo tôi, 2 việc rất cần đối với giáo dục là những người giỏi phải được đánh giá cao, hưởng lương tương xứng. Không những trả lương theo hiệu quả công việc, mà đãi ngộ thể hiện ở việc những người giỏi muốn vào ngành giáo dục để phát triển chứ không phải những người giỏi chỉ chui vào các đơn vị tư nhân... Tóm lại, đề xuất bỏ chế độ CCVC hiện nay phải quan tâm đến tiền lương cho GV, tiền lương trả theo thang bậc, gắn với năng suất lao động, như thế mới lôi cuốn người giỏi vào nghề giáo.
Vậy theo ông, để thực hiện được việc chuyển GV sang chế độ hợp đồng “có vào - có ra” cần những điều kiện gì?

- Thực hiện chế độ này, thứ nhất chúng ta sẽ có đội ngũ nhà giáo tâm huyết, tài năng, nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục bằng sự chọn lọc đúng đắn, chứ không phải bằng những tiêu cực. Thứ hai, chúng ta đang phát triển theo cơ chế thị trường, quá trình phát triển giáo dục cũng phải gắn với quy luật phát triển của cơ chế thị trường, khi chúng ta đi đúng quy luật sẽ có điều kiện phát triển. Song cái được lớn nhất là chống được "căn bệnh" an phận của nhiều GV trường công lập hiện nay: Không phải lo đầu vào, đầu ra, nên không có động cơ đổi mới, sáng tạo.

Việc tuyển chọn GV theo xu hướng này phải làm liên tục, không chỉ 1 - 2 năm rồi bỏ. Liên tục tuyển chọn, đánh giá, như thế mới làm cho ngành giáo dục đi vào chất lượng, phát triển đúng quy luật. Tuy nhiên, không thể áp dụng ngay việc này, mà cần có lộ trình. Quan trọng là thay đổi được nhận thức đội ngũ GV. Bên cạnh đó, Luật Viên chức, Luật Giáo dục, đặc biệt cơ chế quản lý, trả lương phải thay đổi, nếu cứ bám khung cũ thì chúng ta không thể đổi mới. Điều kiện quan trọng nữa là phải tuyển dụng được đội ngũ cán bộ quản lý thực sự có tâm, có tài, không bị cơ chế thị trường làm mờ đi ánh sáng của đổi mới.

Xin cảm ơn ông!