Tiếp bước kể chuyện Bác Hồ

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã sáng tạo, linh hoạt, kết hợp bảo quản thông thường với phương pháp khoa học để giữ gìn, bảo vệ cảnh quan những hiện vật liên quan đến Người.

Định vị từng cái cây, mảnh vườn
Ngày 28/1/2014, khi vào thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một di tích hết sức thiêng liêng, là nơi mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế đến để tưởng nhớ Bác, hiểu biết về công lao to lớn của Bác và đặc biệt là nơi học tập, làm theo tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đây, mỗi người đều lắng đọng, suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng, rèn luyện và làm việc xứng đáng với Bác”.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Lại Tấn
Ngày nay, đến Khu di tích, người dân Việt Nam và du khách quốc tế đều có thể cảm nhận được sự thiêng liêng, yên bình. Đứng bên Nhà sàn Bác Hồ (nơi bác ở và làm việc từ ngày 17/5/1958), qua các hiện vật, khách tham quan có thể nhìn thấy lối sống giản dị, mộc mạc mà thanh cao của Bác.
Trong ngôi nhà có những vật dụng hết sức đơn giản: Một bàn, một ghế, một giường đơn, một cái quạt cọ, chiếc máy chữ, giá sách… cùng hàng trăm cuốn sách về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa được viết bằng nhiều thứ tiếng như Việt, Anh, Pháp, Hán,
Nga, Latinh…
Giám đốc Khu di tích Nguyễn Văn Công cho biết: “Khu di tích là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc suốt 15 năm cuối đời (1954 – 1969). Sau khi Bác Hồ qua đời, tất cả cảnh quan, hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và hoạt động của Bác trong 15 năm cần được bảo vệ, bảo quản, giữ gìn nguyên trạng.
Bởi vậy, toàn bộ không gian khu vực đã được định vị chính xác trên bản đồ cho từng ngôi nhà, gốc cây, mảnh vườn đến đường đi, lối mòn… và được quy hoạch chi tiết. Hàng năm, Khu di tích thực hiện các chế độ bảo quản định kỳ, kết hợp với tu bổ, chống xuống cấp di tích, lắp đặt thiết bị bảo quản, áp dụng công nghệ khí khô, lắp đặt hệ thống báo cháy – chữa cháy tự động, sử dụng máy soi kiểm tra an ninh, tu bổ và nâng cấp vườn quả, hút bùn ao cá bằng công nghệ tiên tiến”.
Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của công tác sưu tầm đối với việc nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị, Lãnh đạo Khu di tích đã chú trọng và từng bước tiến hành công tác sưu tầm và tiếp nhận hiện vật.
Phó Trưởng phòng Sưu tầm, kiểm kê, tài liệu Khu di tích – Vũ Thị Kim Yến cho biết: “Năm 1995, Khu di tích đã đề xuất Bảo tàng Hồ Chí Minh chuyển giao 395 hiện vật, trong đó có 222 hiện vật gốc. Đến nay, Khu di tích đã sưu tầm được hơn 1.000 hiện vật gốc. Qua đó không chỉ bổ sung nguồn tư liệu, hiện vật vào kho cơ quan mà còn góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết thực phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày bổ sung tại Khu di tích”.
Nơi ai cũng muốn một lần được đến
Hiện nay, Khu di tích mở cửa đón khách tham quan 365 ngày trong năm. Kể từ năm 1970 đến nay, Khu di tích đã phục vụ và đón tiếp hơn 80 triệu lượt khách đến tham quan. Trong đó, khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia và hàng trăm tổ chức quốc tế; trung bình mỗi ngày có 6.000 – 8.000 khách tham quan. Riêng 8 tháng đầu năm 2019, Khu di tích đã đón 2 triệu lượt khách.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 50 năm bảo tồn và phát huy giá trị (1969 – 2019) Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất, là kết tinh của nhân, trí, dũng. Điều vĩ đại nhất của Bác Hồ là những điều cao đẹp thể hiện ở những việc làm, cử chỉ rất chân phương.
Sự chân thực, vĩ đại của Bác có thể nhìn thấy ở Khu di tích này thông qua những vật dụng, hình ảnh Bác trồng cây, cho cá ăn…Với ý nghĩa đó, những người Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều trân trọng nỗ lực của các thế hệ công tác tại Khu di tích”.

Ngày 12/9, tại Khu di tích đã diễn ra triển lãm “50 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. Triển lãm trưng bày hơn 200 bức ảnh tư liệu tiêu biểu về những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu Phủ Chủ tịch và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh tại Khu di tích kể từ sau khi Người qua đời đến nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần