Tiếp dân cần cầu thị, đừng làm cho xong chuyện

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng tiếp dân, đối thoại với dân để giảm khiếu nại tố cáo, vụ việc phức tạp.

 Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão.
Đó là vấn đề liên tục được nhắc đến thời gian qua. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nhận định, Quy định 11-QĐi/TW của Ban Chấp hành (BCH) T.Ư vừa ban hành đã đưa ra những quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân rất đúng thời điểm. Đây chính là một bước tiến mới, cần thiết để khắc phục những hạn chế hiện nay.
“Phép thử” bản lĩnh
Một trong những nguyên nhân khiến khiếu nại, tố cáo gia tăng là do tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, lãnh đạo “ngại” tiếp công dân, đối thoại với dân, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp. Ông đánh giá thế nào khi BCH T.Ư ra Quy định 11, “ràng buộc” trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong vấn đề tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân?
- Đây không phải là lần đầu tiên có quy định về trách nhiệm tiếp công dân. Nhiều năm rồi, trong các văn bản pháp luật và Nhà nước đã có, điển hình như Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Tiếp công dân đều quy định người đứng đầu chính quyền phải bố trí thời gian để tiếp dân theo đúng hạn. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận thực tế, nhiều nơi, người đứng đầu địa phương, đơn vị không thực hiện đến nơi đến chốn, tránh né, thậm chí có nơi chỉ làm cho có, lấy lệ. Nên hiệu quả cũng còn hạn chế.
 Một buổi tiếp dân trên địa bàn quận Thanh Xuân.Ảnh: Thái San
Đứng về quy định của Đảng, vấn đề này cũng đã quy định ở chỗ này chỗ khác, nhưng chưa thành hệ thống. Lần này BCH T.Ư đã ban hành Quy định 11 “về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân quy định rất cụ thể về trách nhiệm tiếp dân” cá nhân tôi cũng như nhiều người dân rất mừng. Đây là một quy định rất cần thiết.
Trong Quy định, cũng đã đưa ra những nguyên tắc, mục đích, đối tượng, cách làm, mối quan hệ… Rõ ràng, với những vấn đề được định hướng này, trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp sẽ có sự ràng buộc hơn, không phải thích thì làm, không thì thôi như trước đây.
Như ông đã đề cập, dù đã có những quy định nhất định, nhưng thực tế vẫn có người đứng đầu không trực tiếp đối thoại với dân, né tránh dân. Vậy từ kinh nghiệm cá nhân nhiều năm làm đại biểu Quốc hội, theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
- Về vấn đề này Quốc hội cũng đã có những con số thống kê, tỷ lệ người đứng đầu các cơ quan chính quyền tiếp dân vẫn chỉ thực hiện được một phần, còn lại là ủy quyền cho cấp phó và cơ bản là ủy quyền cho cơ quan có trách nhiệm về tiếp dân.
Còn Bí thư cấp ủy tiếp dân, tôi được biết, hiện nay, một số địa phương cũng đang tăng cường nhiều hình thức đối thoại, từ định kỳ đến đột xuất, theo vụ việc, nhưng cũng còn rất ít. Theo tôi, có lẽ bởi chưa có những chế tài ràng buộc về trách nhiệm. Hơn nữa, những người thực hiện tốt không được khen, làm kém cũng không bị xử lý. Nên nhiều người hay viện lý do “không thể” đối thoại, tiếp dân theo quy định vì bận…
Cùng với đó, còn một nguyên nhân khác là một số cơ chế, chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; nhiều quy định chưa phù hợp thực tiễn chậm bổ sung, sửa đổi; tổ chức thực hiện còn yếu. Rồi tham nhũng, phiền hà cũng chưa được kịp thời chấn chỉnh nên hiệu quả tiếp dân cũng chưa cao. Nhiều vụ việc, chính lãnh đạo các cấp sau khi tiếp dân cũng không thể giải quyết được do nhiều yếu tố “vướng” nên có tâm lý ngại đối thoại với dân.
Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề chính là người lãnh đạo chưa nhìn nhận thấu đáo về việc “nghe dân nói, nói cho dân nghe”. Phần lớn chỉ chú trọng trả lời đơn thư khiếu nại tố cáo mà thiếu quan tâm xử lý dứt điểm, do né tránh, đùn đẩy hoặc trả lời vòng vo...
Thực tế, người có thẩm quyền tiếp xúc, trao đổi với dân, cũng là cơ hội để giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, hòa giải, phòng ngừa từ xa các vướng mắc, mâu thuẫn, điểm nóng trong dân. Đồng thời, qua đối thoại thực tiếp, cũng tiếp nhận những phản ánh để đề xuất bổ sung vào hệ thống pháp luật, để đặt chính sách cho đúng.
Ở một góc độ khác, có ý kiến cho rằng, đối thoại trực tiếp với dân còn là phép thử phẩm chất, năng lực, bản lĩnh cán bộ. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Đúng thế. Chất lượng của việc tiếp công dân là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng tới việc giải quyết những bức xúc, những vấn đề mà người dân quan tâm. Cán bộ có năng lực yếu, bản lĩnh không cao, nắm không chắc công việc sẽ rất sợ đối thoại với dân. Rồi cứ hứa hão, hứa chung chung, rồi để đấy. Trong khi đúng ra, nghe dân nói, rồi phải căn cứ vào nội dung mà có sự chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, nhìn nhận được rõ vấn đề, đúng thì giải thích cho dân, sai phải tiếp thu để giải quyết hoặc đề xuất giải quyết. Hơn nữa, cán bộ tiếp dân phải “nhẫn” trước những bức xúc của người dân, việc này cũng đòi hỏi trình độ, bản lĩnh của người cán bộ.
Sẽ tạo sức lan tỏa
Theo ông, việc ban hành Quy định 11, chỉ rõ trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy có khắc phục được những hạn chế hiện nay?
- Tâm lý chung của người đi khiếu nại tố cáo rất mong được gặp trực tiếp người đứng đầu hoặc người có thẩm quyền giải quyết. Quy định của BCH T.Ư về vấn đề này ra đời là bước tiến rất mới. Quy định nêu rất cụ thể là người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất một ngày/tháng; Bí thư cấp ủy cấp xã tiếp dân ít nhất 2 lần/tháng. Đồng thời cũng quy định tiếp dân đột xuất trong các trường hợp như việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài… Đặc biệt, tôi thấy lần đầu tiên trong công tác tiếp dân có chế tài xử lý. Nếu người đứng đầu cấp ủy địa phương để xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự thì phải chịu trách nhiệm.
Có thể nói rằng, những định hướng rất rõ ràng trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng sẽ lan tỏa ra toàn hệ thống chính trị. Bí thư cấp ủy thực hiện tốt việc tiếp dân, người đứng đầu chính quyền sẽ không thể thờ ơ. Theo dõi thực tế tôi thấy, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đặc biệt là những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, bức xúc kéo dài, khi được cấp ủy tham gia một cách cụ thể hơn, có chỉ đạo rốt ráo hơn, đã tạo ra những hiệu quả tốt.
Cùng với nâng ý thức từ mỗi người, tôi tin rằng, với chỉ đạo quyết liệt, thì quy định này cùng với văn bản trước đây sẽ có tác dụng nhất định và đi vào cuộc sống được nhiều hơn.
Những quy định đã cụ thể rồi, nhưng làm thế nào để Quy định này thực sự đi vào cuộc sống, thưa ông?
- Theo tôi, để quy định thực thi hiệu quả trong thực tế, ngoài tăng tuyên truyền, quán triệt, gắn với kiểm tra, giám sát trong hệ thống các cơ quan đảng, còn cần sự phối hợp với các cơ quan hành pháp và các tổ chức chính trị xã hội khác và có những chỉ đạo, triển khai cụ thể ở các cấp. Đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy với cơ quan hành chính tiếp dân như nào để mang lại hiệu quả cao hơn.
Nên nghiên cứu bổ sung thêm cả trách nhiệm tiếp dân của Bí thư Ban cán sự Đảng các bộ ngành, cũng là những lĩnh vực gắn chặt với đời sống người dân. Đồng thời, làm rõ vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong giám sát, đôn đốc thực hiện các nội dung sau tiếp dân. Tăng công khai minh bạch để người dân nắm bắt, theo dõi được, để đến lần tiếp dân sau, thấy việc đó đã giải quyết đến đâu, trách nhiệm còn của ai.
Qua tiếp dân, người đứng cầu cấp ủy cũng cần giao trách nhiệm cho các bộ phận rõ ràng, có báo cáo, có kiểm tra, giám sát. Việc đối thoại phải được thực hiện nghiêm túc, cầu thị chứ không theo kiểu qua loa, chiếu lệ.
Với Quy định này, tôi nghĩ việc tiếp dân sẽ tốt hơn. Bởi chỉ khi lãnh đạo sẵn sàng đối thoại, lắng nghe và tìm hiểu cặn kẽ mọi khúc mắc của người dân, cũng dễ dàng nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của người dân. Và khi đó niềm tin trong dân được nâng cao, tạo đồng thuận trong xã hội.

Xin cảm ơn ông!