Tiếp sức cho hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hàng Việt đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại đòi hỏi DN phải không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Muốn làm được điều này, các DN cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
Doanh nghiệp than khó

Thống kê cho thấy, hiện nay, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống bán lẻ hiện đại lên đến 95%, chợ truyền thống 75%. Song, để hàng Việt chinh phục người tiêu dùng (NTD) Việt, bản thân các DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thương hiệu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cam kết đưa ra những sản phẩm bảo đảm VSATTP.

Chia sẻ về việc đưa hàng Việt đến với NTD Việt, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, Tổng Giám đốc Công ty CP Hoa Lan Nguyễn Thị Đông chia sẻ, năm 2009 sản phẩm của DN đã xuất khẩu sang Nhật Bản nhưng việc tiêu thụ thị trường nội địa gặp không ít khó khăn. “Cùng một sản phẩm xà phòng thiên nhiên, tại thị trường Nhật Bản có giá hơn 30 USD, nhưng NTD Việt Nam chỉ chấp nhận mức giá 15.000 đồng” - bà Đông nêu ví dụ.

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hàng Việt tại hội nghị Hà Nội liên kết với các tỉnh, thành. Ảnh: Lê Nam

Nhiều DN có chung nhận định, để hàng Việt chiếm được cảm tình của NTD, đòi hỏi DN phải tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, phần lớn DN Việt thiếu kinh phí tiếp cận công nghệ mới, vì vậy mong muốn TP hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, để DN ứng dụng công nghệ, người nông dân cũng phải thay đổi tập quán sản xuất, không nên chạy theo lợi ích trước mắt. “DN đặt nông dân sản xuất nguyên liệu, cung cấp giống, phân bón, tư vấn về kỹ thuật chăm sóc nhưng đến khi thu hoạch, người nông dân lại bán cho DN trả giá cao hơn. Khi được mùa, cung cao hơn cầu lại kỳ kèo DN tiêu thụ sản phẩm” - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Việt Doanh Đào Việt Dũng chia sẻ.

Hà Nội cam kết hỗ trợ tối đa

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, TP rất quan tâm tới việc giúp DN tiếp cận công nghệ, trong đó chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu. Trong những năm qua, TP đã ban hành các quyết định về khuyến khích phát triển làng nghề và hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, qua đó đã hỗ trợ 50 DN và 20 làng nghề xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ cho quảng bá sản phẩm trên cổng thông tin điện tử của Sở. Đồng thời kết nối giữa DN với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thông qua trang web, giúp DN rút ngắn thời gian trao đổi, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến với NTD.

Về hỗ trợ vốn, thời gian qua, TP Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức kết nối ngân hàng – DN, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, năm 2015 các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho vay 109.350 tỷ đồng, năm 2016 đã lên đến 233.732 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2017 các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng – DN trên 300.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản khẳng định: Trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN xây dựng, quảng bá thương hiệu Việt. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư mở rộng sản xuất. Ngoài ra, đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái, qua đó hỗ trợ DN bảo vệ thương hiệu. “Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, bản thân các DN cũng cần phải chủ động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đổi mới sản xuất” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Thực tế việc tổ chức chương trình đưa hàng Việt về khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa cho thấy, nhiều DN trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa quan tâm đến xây dựng và bảo vệ thương hiệu cũng như công tác cải tiến mẫu mã, ứng dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm ATTP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần