Tiếp sức cho nông sản vùng miền

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Mậu Tuất đã cận kề nên nhu cầu tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng miền của người dân Thủ đô tăng mạnh. Nắm bắt được nhu cầu đó, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên tổ chức Tuần lễ quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn của 3 tỉnh này tại thị trường Hà Nội.

Mang sản phẩm an toàn đến với người dân Thủ đô
Tuần lễ quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn diễn ra từ ngày 26/1 đến hết ngày 4/2 tại 35 Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng thu hút khá đông người tiêu dùng Thủ đô. Đã có 30 DN sản xuất, phân phối tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên đến để giới thiệu tới người tiêu dùng 40 sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền như gạo Tám (Điện Biên), gạo Séng Cù (Lào Cai), chè Suối Giàng (Yên Bái)... rõ nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ giấy tờ chứng nhận về chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Hoài Bắc, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống đã bày bán nông sản, đặc sản vùng miền nhưng tôi vẫn lo hàng sạch, hàng không an toàn lẫn lộn, khó phân biệt. Vì vậy, khi nghe tin HPA và các tỉnh tổ chức giới thiệu nông sản, đặc sản vùng miền có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tôi đã đến mua mật ong, thịt sấy để sử dụng trong dịp Tết.
 DN các tỉnh giới thiệu nông sản, đặc sản vùng miền tại Tuần lễ quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Ảnh: Lê Nam.
Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green Nguyễn Hoàng Hiên (Điện Biên) cho hay: Gạo tám đặc sản của Điện Biên đang là mặt hàng thu hút người tiêu dùng Thủ đô, nhưng trên thực tế đã có tình trạng người dân mua phải các sản phẩm nhái thương hiệu gạo Điện Biên. Do đó, việc tham gia tuần lễ giúp DN có cơ hội giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô cách nhận biết gạo Điện Biên thật. Bên cạnh đó, công ty cũng mong muốn được liên kết, kết nối với các DN bán lẻ Hà Nội, tạo thành chuỗi tiêu thụ vừa tìm đầu ra ổn định cho nông sản Điện Biên, vừa giúp người dân Thủ đô được tiêu thụ sản phẩm an toàn với giá cả hợp lý.
Tăng cường kết nối
Thực tế cho thấy, hoạt động kết nối cung - cầu, thực phẩm an toàn là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay. Giám đốc Công ty CP An Việt Đỗ Ngọc Nam cho biết: Hầu hết các địa phương trên cả nước đều có các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, song khâu tiêu thụ lại khó khăn. Nguyên nhân là bởi theo quy định hàng hóa muốn bày bán tại hệ thống bán lẻ hiện đại phải có đầy đủ giấy tờ kiểm định chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, các DN, HTX cung ứng hàng của một số tỉnh, thành, đặc biệt là khu vực miền núi lại chưa đáp ứng đầy đủ những giấy tờ cần thiết nên việc tiêu thụ tại thị trường Hà Nội bị hạn chế. Đây là vấn đề mà các đơn vị sản xuất cần phải đặc biệt chú trọng trong thời gian tới.
Các DN sản xuất, tiêu thụ nông sản đặc sản vùng miền cho rằng, để phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, công nghệ cao thì xây dựng và mở rộng thị trường, phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ đang là yêu cầu bức thiết đặt ra. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất ở quy mô lớn đòi hỏi cơ quan quản lý phải đẩy mạnh hỗ trợ DN thực hiện các quy định, thủ tục pháp lý về xuất xứ hàng hóa nhằm đảm bảo tính bền vững trong quá trình kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Hà Nội. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các Tuần lễ quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm đảm bảo VSATTP nhằm giúp DN quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Từ đó hình thành thói quen sử dụng nông sản thực phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc.
Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh: Tuần lễ quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn là cầu nối giao thương cho DN sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chế biến các tỉnh có cơ hội trực tiếp tìm kiếm đối tác, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó xây dựng chuỗi nông sản an toàn, tăng cường kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền tại thị trường Hà Nội.