Tiếp tục "mạnh tay" với nợ xấu

theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

WB đang hỗ trợ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, củng cố hệ thống ngân hàng, nhằm bảo đảm phân bổ nguồn vốn một cách có hiệu quả phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Tại hội thảo quốc tế về xử lý nợ xấu tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 26/9, WB đánh giá, khu vực ngân hàng của Việt Nam đã tích cực tập trung xử lý các khoản nợ xấu trong những năm gần đây.

Việc triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 và Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó có việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cùng với những sửa đổi về khung pháp lý và thể chế sau đó nhằm tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng là dấu hiệu cho thấy quyết tâm giải quyết nợ xấu và củng cố sự ổn định của khu vực tài chính-ngân hàng.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội thảo.
Ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc VAMC cho biết, trong gần 4 năm qua, để đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống về mức dưới 3%, VAMC đã mua một khối lượng nợ xấu rất lớn. Cụ thể, tính đến 31/8/2017, VAMC mua 26.110 khoản nợ xấu từ 16.197 khách hàng với giá trị mua 266.335 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2015 VAMC mua lại lượng nợ xấu kỷ lục với dư nợ gốc hơn 100.000 tỷ đồng. Mới đây, VAMC đã thu giữ tài sản bảo đảm là dự án cao ốc Saigon One Tower do Công ty cổ phần Sài gòn One Tower làm chủ đầu tư nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ.
Tuy nhiên, đại diện VAMC cho rằng, cơ quan này cần được hỗ trợ về hệ thống công nghệ thông tin để kết nối với các tổ chức tín dụng ở Việt Nam theo dõi các khoản nợ và tài sản bảo đảm. Đồng thời, VAMC cũng cần sự hỗ trợ từ các tổ chức tư vấn khi hiện nay đang triển khai mua nợ bằng tiền thật, nên cần kinh nghiệm về mua nợ và quản lý khoản nợ.
Theo lãnh đạo NHNN, việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với sự an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ.
TS. Jennifer Isern - Giám đốc Khối Tư vấn tài chính và thị trường phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho biết, các cải cách trong khu vực ngân hàng có ý nghĩ đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm năng lực phục vụ nền kinh tế của hệ thống.
“Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp phù hợp với các điều kiện đặc thù, cải thiện khung pháp lý, giám sát, thiết lập môi trường lành mạnh, thuận lợi để hình thành một thị trường mua bán nợ xấu hoạt động hiệu quả”, ông Jennifer Isern khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng, điểm đáng khích lệ là Nghị quyết 42/2017/QH về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng có hiệu lực tự ngày 15/8 là một bước quan trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của hệ thống tổ chức tín dụng và phát triển thị trường mua bán nợ như: Mở rộng phạm vi đối tượng mua, bán nợ xấu của VAMC, thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp, mua và bán nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất.
Nghị quyết khi triển khai được kỳ vọng sẽ khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập về pháp lý đã nảy sinh trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, cũng như của VAMC, cho phép VAMC, ngân hàng được mua bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách…
Cũng tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách đã tìm hiểu kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ấn Độ và Malaysia về xử lý nợ xấu và các bài học rút ra trong vấn đề quản trị và quản lý rủi ro.
Hội thảo cũng phân tích góc nhìn của khu vực tư nhân về một số sáng kiến của NHNN nhằm đa dạng hóa các phương án xử lý nợ xấu thông qua việc phát triển các thị trường cho tài sản chờ xử lý nợ, bao gồm việc bán nợ xấu cho các nhà đầu tư.
“Với kinh nghiệm tư vấn cho các chính phủ trong việc xử lý nợ xấu ở các thị trường mới nổi, chúng tôi đang cộng tác với các bên hữu quan ở các cấp khác nhau nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu”, TS. Jennifer Isern nói.
Đại diện WB cũng nhận định, xử lý nợ xấu thành công ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm hệ thống các ngân hàng tiếp tục phát huy tốt vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, tăng cường việc cho vay lành mạnh và củng cố hệ thống giám sát để ngăn chặn việc hình thành các khoản nợ xấu mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần