Tiếp tục nghiên cứu đưa thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 20%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại buổi họp báo định kỳ quý I/2013 của Bộ Tài chính tổ chức chiều 10/4, nhiều vấn đề nóng về thu, chi ngân sách, giá xăng, dầu việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mang tiền gửi ngân hàng lấy lãi... đã được đại diện Bộ Tài chính giải đáp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu ngân sách trong 3 tháng đầu năm mới đạt hơn 167.000 tỷ đồng là thấp. Con số này theo Bộ Tài chính đã giảm khoảng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu hồi nội địa chỉ đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán. Mặc dù số thu giảm nhưng báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế chi trong 3 tháng lại tăng tới 6% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, mức bội chi đã ở mức trên 50.000 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu bội chi năm nay được đặt ra khoảng 162.000 tỷ đồng. "Bộ Tài chính xác định phải quyết liệt hơn nữa các giải pháp nếu không, mục tiêu dự toán năm nay hết sức khó khăn" - Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói.

Về những giải pháp được đưa ra trong thời gian tới, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ tăng cường rà soát công tác thu ngân sách, đặc biệt là việc chống thất thu nợ đọng thuế để đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Liên quan đến kiến nghị giảm thuế thu nhập DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, hiện có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến đề nghị về 20% nhưng cũng có ý kiến cho rằng đưa về 23% như đề xuất Chính phủ là hợp lý. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến và đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và có thể đưa ra lộ trình đưa mức thuế suất phổ thông về 20%. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu tổng thể tác động của việc giảm thuế tới thu ngân sách và hoạt động kinh doanh của DN. 

Trước những ý kiến đòi hỏi minh bạch việc điều hành giá xăng, dầu và việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết, thời gian tới, Liên bộ luôn yêu cầu minh bạch thông tin và thống kê báo cáo sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) hàng tháng, thay vì 3 tháng/lần.

Về việc SCIC mang tiền gửi ngân hàng lấy lãi, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết: SCIC có hai nhiệm vụ, vừa là nhà đầu tư, vừa là DN có chức năng tái cấp vốn. Trong quá trình hoạt động, DN này quản lý một quỹ hỗ trợ các DN với nguồn vốn lên tới trên 20.000 tỷ đồng. Theo quy định, tiền vốn thuộc quỹ này có thể  gửi ngân hàng và tiền lãi thu về cho quỹ, SCIC không được tự động chi tiêu. Riêng về vấn đề đầu tư, ông Tiến cho rằng trong điều kiện hiện nay, Tổng công ty này cũng cần cân nhắc kỹ. "Nếu đầu tư vốn Nhà nước gây thất thoát, SCIC cũng sẽ phải chịu trách nhiệm" - ông Tiến nói.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần