Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017, nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT - XH những tháng cuối năm.

Chủ động, linh hoạt hơn nữa trong điều hành

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ; nâng cao chất lượng thể chế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính... là những chỉ đạo nổi bật của Chính phủ tại Nghị quyết số 61/NQ-CP. Bên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm: KT-XH trong nước có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,73%, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định… Nghị quyết cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ năm 2017. Trong đó chỉ rõ, việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sản xuất công nghiệp tăng chậm, đặc biệt ngành khai khoáng giảm mạnh. Cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình trạng ô nhiễm môi trường, chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép; TNGT, cháy nổ nghiêm trọng và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp.

Sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Phát, Khu Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Ảnh: Danh Lam

Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, linh hoạt hơn nữa trong điều hành, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2017, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và DN; Tập trung đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo chuyển động thực sự từ T.Ư đến cơ sở để phục vụ người dân, DN tốt hơn, nhanh hơn, thân thiện hơn; Tăng cường lắng nghe, đối thoại với người dân, DN; Phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, phù hợp với đặc thù địa phương gắn với trách nhiệm; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.

Nâng cao chất lượng thể chế được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của từng bộ, cơ quan. Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm tiến độ, chất lượng, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN và hoạt động sản xuất, kinh doanh, không tạo khoảng trống pháp lý, không chồng chéo, mâu thuẫn. Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh và việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Siết chặt kỷ luật tài chính, kích cầu nội địa

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và thao túng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; Có giải pháp giảm lãi suất cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.

Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; Cơ cấu lại ngân sách, xử lý nợ công; Chống thất thu thuế, nhất là đối với hộ khoán, hộ kinh doanh cá thể. Rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông để giảm thời gian, chi phí cho DN; Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát các loại phí, lệ phí để cắt giảm chi phí cho DN, nhất là phí vận tải; Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường chứng khoán, sớm đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tập trung triển khai các giải pháp phát triển thị trường trong nước; Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa; Xây dựng các biện pháp hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước. Bộ NN&PTNT đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ; Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi; Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phương án phòng, chống thiên tai…

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ VHTT&DL tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá liên kết vùng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phấn đấu năm 2017 thu hút từ 13 - 15 triệu khách du lịch quốc tế…