Tiếp tục tranh luận về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

 Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình đã trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo của Chính phủ là đề xuất giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước. ACV cũng sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của DN các công trình thiết yếu của cảng hàng không.
Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) được giao trực tiếp đầu tư bằng vốn của DN.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Hiện Chính phủ mới chỉ giao ACV lập dự án. Về nguyên tắc, sau khi dự án được duyệt sẽ đến bước chọn ai là người triển khai dự án. Đây là dự án xây dựng CHK mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Ngoài ra, do đây là sân bay gắn liền với an ninh quốc gia nên chỉ có thể đấu thầu trong nước”.
Đáng nói, ngoài ACV, khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia đối với một CHK quốc tế cửa ngõ, quan trọng quốc gia như CHK quốc tế Long Thành.
“Chúng ta tổ chức đấu thầu, khả năng lớn nhất vẫn là ACV trúng thầu nhưng sẽ lại chậm hơn 1,5 năm. Khi đó, sớm nhất cũng phải tới năm 2022 thậm chí năm 2023 mới có thể khởi công. Chỉ có chỉ định thầu mới có thể khởi công dự án vào đầu 2021” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất là đề xuất Quốc hội quyết định việc giao ACV đầu tư dự án. ACV có 95% vốn Nhà nước, về nguyên tắc vẫn là công ty cổ phần. Như vậy, việc quyết định giao dự án sẽ thực hiện theo Điều 22, Luật Đấu thầu. Như thế thì thẩm quyền quyết định hoàn toàn thuộc Chính phủ. Việc Quốc hội chỉ định thầu cho một DN cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công, trước nay chưa từng có.
Đề nghị các đại biểu cân nhắc, ủng hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu thực tế sân bay Tân Sơn Nhất đã tắc nghẽn hết cả, nếu không đầu tư một sân bay mới thì không còn hướng nào để thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo của đất nước, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn TP Hà Nội cho rằng, ba lý do để giao ACV như: Đây là đơn vị có kinh nghiệm, có nguồn vốn, việc thực hiện không qua đấu thầu có thể tiết kiệm được thời gian triển khai sớm dự án là chưa thuyết phục.
Việc chỉ định thầu cho ACV có thể rút ngắn được 1,5 năm giai đoạn đầu nhưng trong toàn bộ quá trình đầu tư dự án chưa chắc đã rút ngắn được thời gian, vì đây là DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên tất cả các hạng mục triển khai đều phải đấu thầu, có thể làm chậm trễ dự án, trong khi tư nhân thì không phải đấu thầu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường còn lưu ý dù ACV có kinh nghiệm nhất, nhưng thực tế với CHK quốc tế Vân Đồn đã chứng minh tư nhân cũng có thể làm tốt. Chưa kể việc giao cho ACV cũng chưa chắc đảm bảo vốn tốt nhất, bởi 3/4 nguồn vốn dự án phải đi vay, thủ tục phức tạp và khi xảy ra rủi ro Nhà nước có thể gánh. Trong khi đó nhiều tập đoàn tư nhân luôn sẵn sàng tham gia đầu tư, linh hoạt huy động vốn.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa - Đoàn tỉnh Bắc Giang đồng tình với việc không vay vốn ODA thực hiện dự án vì sẽ tác động đến nợ công, trong khi đây lại là công trình liên quan tới quốc gia nên cần thận trọng, chặt chẽ. Bà Hoa đề nghị Chính phủ xem xét chỉ định cho DN thực hiện dự án gồm hai DN là ACV và Công ty Quản lý bay Việt Nam. Lý do, đây là DN nhà nước giữ cổ phần chi phối hơn 95%, nên nếu tổ chức đấu thầu trong nước thì ACV là đơn vị duy nhất đáp ứng và có khả năng triển khai dự án đảm bảo tính khả thi.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng – Đoàn tỉnh Bình Dương cũng cho rằng nếu giao dự án cho các DN trong nước đủ điều kiện thì tương lai đất nước sẽ có công nghiệp hàng không và đây sẽ là đột phá tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.
Chia sẻ quan điểm về dự án này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn tỉnh Bến Tre cho rằng, lựa chọn nhà thầu là vấn đề hết sức quan trọng, được cử tri và Nhân dân cả nước hết sức quan tâm và đòi hỏi rất cao. Đặc biệt, dự án CHK quốc tế Long Thành là một dự án không chỉ liên quan đến kinh tế - xã hội mà còn cả quốc phòng, an ninh.
Chính vì thế, Chính phủ cần có phương án và đang trong giai đoạn chọn lựa nhà thầu có chất lượng nhằm tránh những hậu quả sau này như một số dự án đã để lại hệ luỵ.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc thận trọng trong lựa chọn nhà thầu là hoàn toàn chính đáng, dù điều đó có thể khiến dự án triển khai chậm hơn một chút do hiện nay chúng ta tách phương án để bổ sung thêm một số hạng mục, đặc biệt là hạng mục về vấn đề giao thông, những vấn đề về điều chỉnh phương án sử dụng đất… Dự thảo Nghị quyết đã ghi rất rõ, không ảnh hưởng đến nợ công, không được sử dụng bảo lãnh của Chính phủ, đây hoàn toàn phải là vốn của nhà đầu tư.
Dự kiến chiều 26/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quan trọng quốc gia này.