Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao Quyết định chứng nhận sản phẩm NCM đạt tiêu chuẩn VietGAP cho UBND huyện Quốc Oai |
Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn TP có 17.776ha cây ăn quả, trong đó diện tích trồng nhãn đạt trên 1.700ha, với 600ha NCM. Hàng năm, sản lượng NCM đạt khoảng 10.000 - 11.000 tấn, cho thu nhập bình quân 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Năm 2018, NCM được mùa nhất từ trước đến nay với sản lượng ước đạt 25.000 tấn.
Theo quy hoạch đến năm 2020, vùng sản xuất NCM được xây dựng và mở rộng tại các vùng ven sông Đáy, gồm: Xã Đại Thành (Quốc Oai) 200ha; xã An Thượng, Đông Lao, Song Phương (Hoài Đức) 250ha; xã Lam Điền, Thụy Hương (Chương Mỹ) 100ha.Giống NCM tại Hà Nội gồm 2 giống HTM1 và HTM2, tập trung chủ yếu tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức và rải rác tại một số huyện khác trên địa bàn TP. Hiện nay, Sở NN&PTNT đã chứng nhận được 100 cây NCM đầu dòng, qua đó cung cấp hàng triệu mắt, cành ghép giống NCM cho các tỉnh bạn như: Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc… Đặc biệt, tại xã Đại Thành có cây nhãn tổ trên 120 năm tuổi. NCM có đặc trưng vị thơm, độ ngọt sắc, cùi dày, hạt nhỏ, chất lượng ngon. Thời gian thu hoạch muộn hơn các giống nhãn đại trà một tháng (từ 20/8 - 20/9). Năm 2013, NCM được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai”.Mặc dù, NCM của Hà Nội đạt năng suất cao, song sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở dạng quả tươi do nông dân tự tiêu hoặc qua kênh thương lái tự do nên giá thành bấp bênh, sản lượng tiêu thụ không ổn định. Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm NCM, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tích cực hỗ trợ các vùng sản xuất, khuyến khích nông dân sản xuất NCM theo quy trình VietGAP. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm NCM nhằm hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thăm gian hàng trưng bày một số nông sản tiêu biểu của huyện Quốc Oai. |