Tiết kiệm năng lượng bằng công nghệ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Công Thương, hiện tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%”. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng.

Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
Hiện nay các nguồn năng lượng sơ cấp không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023.
TheoThứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến 2035 là 506 tỷ kWh. Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, vào khoảng 8,5% trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 7,5% trong giai đoạn 2026-2030 (trong khi có thời điểm trước đây tăng trưởng tới hơn 12%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng trung bình là 11%) nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao.
"Tính đến nay, hệ thống điện Việt Nam có khoảng 54.000MW điện bao gồm cả các loại năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu điện của năm 2020 cần khoảng 60.000MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000MW công suất nguồn điện. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm tiến độ, việc thu xếp nguồn vốn cho thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện không dễ dàng, các nguồn than, khí nhập khẩu phụ thuộc từ bên ngoài… nên việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%. Ảnh: Khắc Kiên
Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho thấy, giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã tiết kiệm từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng, tương đương từ 11 - 17 triệu tấn dầu quy đổi; trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng giảm dần trong giai đoạn 2011 - 2015, đáng kể như ngành thép (giảm 8,09%); ngành xi măng (giảm 6,33%); ngành dệt sợi (giảm 7,32%).
Chia sẻ tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, thì các giải pháp về công nghệ mới cũng cần được áp dụng để nâng cao hiệu suất tiết kiệm năng lượng, đẩy lùi các công nghệ cũ.
Tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% trong giai đoạn 2019 - 2030.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần