Tiết kiệm và tiện lợi

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin dự kiến từ cuối năm 2017 trở đi, TP Hà Nội chủ trương sẽ lần lượt chuyển các sở, ngành về làm việc chung tại 2 khu liên cơ quan tại quận Tây Hồ và Hai Bà Trưng nhận được nhiều sự chú ý của dư luận.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, bởi đây là việc cần làm, một bước đột phá để thu gọn về một mối, tạo thuận lợi cho người dân, DN trong giao dịch, và nếu làm tốt cũng là một giải pháp tiết kiệm.
 Phối cảnh khu liên cơ tại đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ. 
Như lý giải của lãnh đạo TP, Hà Nội không xây dựng khu hành chính tập trung để cắt giảm đầu tư, mà xây dựng khu liên cơ quan tạo thuận lợi cho người dân và sử dụng hiệu quả tài sản đầu tư. Theo thông tin từ Sở Tài chính, trong 2 khu liên cơ, hiện khu thứ nhất nằm trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) đã xây dựng xong một tòa nhà 18 tầng và một tòa nhà 14 tầng, đang được gấp rút lắp đặt, hoàn thiện các hạng mục để bắt đầu từ cuối năm 2017, đầu năm 2018 sẽ chuyển 8 đơn vị về đây làm việc. Khu thứ hai dự kiến sẽ xây dựng tại trụ sở cũ của Sở Xây dựng (số 52 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng), sau khi Sở này dời tới khu liên cơ quan tại đường Võ Chí Công. Tại đây, tất cả các sở, ngành còn lại sẽ được chuyển về để làm việc tập trung.

Điều được nhiều người quan tâm là khi các khu liên cơ hình thành, bộ phận “một cửa” sẽ chung cho cả các sở ngành, chắc chắn khi đó người dân và DN không phải đi lại nhiều. Bởi thực tế có những thủ tục hành chính liên quan đến nhiều sở ngành, người dân, DN vẫn phải chạy đi chạy lại quá nhiều lần, trong điều kiện đường sá của Hà Nội lúc nào cũng đông đúc, mất thời gian và công sức. Việc các sở ngành có nhiều liên quan đến nhau như Tài chính, KH&ĐT, QH&KT, Xây dựng… ở “cùng một chỗ” chính là một sự tiện lợi. Hơn thế nữa, nhiều tiện ích, công năng của tòa nhà cũng được khai thác tối đa như phòng họp, hội trường… sẽ dùng chung cho các sở, ngành thay vì trước đây chỉ dùng cho một sở, ngành. Theo nhiều chuyên gia, đó là một giải pháp hữu hiệu để giải bài toán tiết kiệm và hiệu quả.

Từ việc di chuyển một số sở, ngành cùng về một địa điểm, nhìn lại thời gian qua, quan điểm gọn đầu mối, hiệu quả trong công việc đã được Hà Nội thực thi với nhiều đột phá. Đã tạo sự liên thông với nhau giữa các đơn vị, nhưng vẫn đảm bảo rõ người, rõ việc, một đầu mối xuyên suốt. Và quan trọng nữa, đã tinh giản được bộ máy, tiết kiệm được chi tiêu công cho Nhà nước ở trong nhiều lĩnh vực: Văn phòng, hành chính, xăng xe... Và sau khi sắp xếp các đơn vị này, Hà Nội dư ra khoảng 100 thửa đất. Như lãnh đạo TP cho biết, nếu các cơ quan được sắp xếp là đơn vị hành chính cần thì TP sẽ giao lại đất. Nếu không, TP sẽ đấu giá để thu ngân sách.

Nhiều người cho rằng, việc Hà Nội xây dựng các khu liên cơ để tập trung các sở, ngành là một sự hợp lý khi hiện nay Hà Nội đã có cơ chế đặc thù và được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Và hy vọng với những quyết tâm “tinh gọn” ấy, Hà Nội sẽ tiếp tục tạo ra những bước đột phá mới trong việc tạo thuận lợi cho người dân và DN khi cần đến cơ quan công quyền. Điều nhiều người quan tâm là diện tích đất của các đơn vị sau khi chuyển vào khu liên cơ sẽ được xử lý hiệu quả. Như lãnh đạo TP đã khẳng định, sẽ được giao cho một số cơ quan, đơn vị có nhu cầu cấp thiết, còn lại chủ yếu trưng dụng để bán đấu giá, kinh phí thu được một phần sử dụng cho việc xây dựng khu liên cơ mới, hoặc nộp về ngân sách để tái đầu tư công, xây dựng công trình dân sinh.