Tiết lộ giá bán AirTag tại Việt Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ra mắt trong sự kiện được tổ chức hồi tháng 4, những chiếc AirTag đầu tiên của Apple đã cập bến thị trường Việt Nam.

AirTag là một thiết bị định vị thông minh nhỏ gọn được phát triển bởi Apple. Thiết bị này có dạng đĩa tròn nhỏ, dùng để gắn vào các đồ vật như túi xách, chìa khóa, xe cộ để người dùng có thể dễ dàng tìm thấy đồ đạc của mình.
  AirTag đã có mặt tại thị trường Việt Nam. 
Một chiếc AirTag gồm ba thành phần chính: pin CR2032, nắp kim loại. Toàn bộ linh kiện được đặt trong phần nhựa. Theo công bố của Apple, viên pin này có thể cung cấp năng lượng cho thiết bị trong một năm. Việc tháo lắp tương đối dễ, bằng thao tác bấm và xoay nhẹ.
Về cơ bản, thiết bị này có chất liệu tạo thành từ thép không gỉ. Trên AirTag có gắn một con chip cho phép định vị đồ vật khi kết nối với ứng dụng trên iPhone. Thiết bị này cũng được trang bị thêm loa phát âm thanh để hỗ trợ cho việc nhận diện khi tìm kiếm.
Với việc sử dụng công nghệ Ultra WideBand và chip U1, AirTag có thể đo chính xác khoảng cách của chúng từ iPhone và trả về vị trí chính xác.
Không chỉ hướng dẫn người dùng đến AirTag bằng cách sử dụng kết hợp phản hồi âm thanh, xúc giác và hình ảnh, Apple AirTag chính hãng cũng có tính năng hỗ trợ người mù hoặc thị lực kém, bằng tính năng chỉ đường như “AirTag cách bạn 15 bước chân bên phải”.
Việc theo dõi AirTag được thực hiện trên ứng dụng Find My, ở tab "Vật dụng" trên các thiết bị chạy iOS 14.5 trở lên. Trên ứng dụng này, người dùng có thể định vị AirTag, xem dung lượng pin, phát âm thanh trên thiết bị hoặc và tìm kiếm chính xác ở khoảng cách gần.
Được Apple rao bán với giá 29 USD/chiếc và 99 USD/bộ (gồm 4 chiếc). Thế nhưng khi về đến Việt Nam, giá bán của thiết bị này lên tới gần 1 triệu đồng mỗi chiếc.
Có thể thấy, giá AirTag tại Việt Nam đang cao hơn nhiều (khoảng 1,7 lần) so với thị trường quốc tế. Tuy vậy, một chuyên gia về lĩnh vực này cho biết, dù giá bán lẻ khá cao, các cửa hàng có lãi không nhiều.
Đại dịch Covid-19 khiến việc thông thương quốc tế ít nhiều bị ảnh hưởng. Khó khăn trong việc vận chuyển chính là thách thức khiến các thiết bị xách tay đội giá. Do giá nhập về đã cao sẵn, trung bình, với mỗi chiếc AirTag bán ra, các chủ cửa hàng chỉ lãi khoảng 200.000 đồng.