Tiêu chí cho phát triển đô thị xanh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước thực trạng môi trường ở các khu đô thị đang bị ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… người dân ngày càng ao ước được sở hữu ngôi nhà tiện nghi, thuận tiện trong không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên.

Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm "Đô thị xanh" nhằm cung cấp cho người dân những thông tin về lợi ích mà môi trường xanh đem lại; đồng thời đánh giá xu hướng phát triển đô thị xanh trong tương lai.

Còn thiếu tiêu chí xanh

Đánh giá của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, một đô thị xanh phải đạt các tiêu chí như: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường, với thiên nhiên. Xét các tiêu chí này, thì các đô thị Việt Nam chưa thể "vươn" tới một đô thị xanh đúng nghĩa. Theo ông Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để đối phó với hậu quả của tăng trưởng kinh tế và dân số nóng, Thái Lan đã đề xuất vấn đề đô thị xanh từ rất sớm. Tại Việt Nam, chưa có một khái niệm rõ ràng cụ thể nào về đô thị xanh. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng đã đề cập đến phần xanh trong đô thị, đó là hệ thống cây xanh mặt nước.

TS.KTS Trương Văn Quảng Viện KT - QH Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng)

Cần chiến lược duy trì, bảo toàn hệ khung thiên nhiên cơ bản

Để xây dựng Hà Nội theo đúng Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những người có trách nhiệm cần có chiến lược duy trì, bảo toàn được hệ khung thiên nhiên cơ bản, có giá trị (mang tính đặc thù)… Đó là đặc điểm cấu trúc địa hình đa dạng, phong phú, có đồi núi, đồng bằng; có hệ thống sông hồ, cảnh quan thiên nhiên; có hệ sinh thái nông nghiệp gắn với giá trị đặc sắc từng vùng văn hóa. Hệ khung thiên nhiên không những góp phần làm tăng chất lượng môi trường sống mà còn tạo nên bản sắc riêng và tính cạnh tranh cao trong đô thị đồng thời là nền tảng để duy trì, phát triển "Hệ thống cấu trúc xanh" trong cấu trúc tổng thể của thủ đô Hà Nội.

Hiện tại, tại các đô thị ở Việt Nam, chính quyền cũng như người dân ít chú ý đến tiêu chí xanh. Hầu hết, chỉ chú tâm xây dựng nhà gần với các tiện ích như trường, chợ, bệnh viện… Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, quá trình phát triển, rất cần một không gian xanh cho kiến trúc cảnh quan môi trường đô thị, cho ngôi nhà tiện nghi.

Sẽ có 200 dự án bất động sản xanh

Lợi ích mà đô thị xanh mang lại không chỉ là sức khỏe con người mà có cả lợi ích về kinh tế. Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, làm một phép so sánh đơn giản nếu học sinh ở đô thị xanh, có 20% học sinh điểm tốt hơn sống ở khu vực khác; những người nằm ở bệnh viện chuẩn xanh, ngày ra viện sẽ trước 2,5 ngày; nhân viên làm tại các văn phòng xanh, hiệu suất làm việc sẽ cao hơn…

Để xây dựng được đô thị xanh, ngay trong quy hoạch cần phải đồng bộ,  đó là kiến trúc xanh, quy hoạch xanh, vị trí xây dựng xanh, bất động sản xanh... "Trong quá trình xây dựng, nên tập trung vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực gồm năng lượng, nước, vật liệu nhằm làm giảm ảnh hưởng của công trình trong quá trình sử dụng tới sức khỏe con người và môi trường" - GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nói.

Để giảm thiểu những tác hại của môi trường, cũng như xây dựng môi trường bền vững, tiêu chí xây dựng đô thị xanh đang là đích hướng tới của các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp bất động sản, kiến trúc. Như trong Quy hoạch chung phát triển Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ dành khoảng 70% diện tích cho phát triển không gian xanh, 30% diện tích còn lại xây dựng các khu dân cư và hoạt động của các làng nghề.

Theo dự báo của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, trong 10 năm tới, sẽ phát triển bất động sản xanh từ gần 50 dự án sẽ lên 200 dự án. Như vậy, sự đồng bộ giữa kiến trúc xanh, quy hoạch xanh, các dự án bất động sản xanh sẽ xây dựng nên một bộ mặt đô thị xanh bền vững.

TS.KTS. Lê Trọng Bình Viện trưởng Viện Kiến trúc:

Kiến trúc xanh phải có tiêu chí

Trong quá trình hội nhập, kiến trúc đô thị - nông thôn Việt Nam đang đối mặt trước thách thức và nguy cơ về sự suy giảm chất lượng môi trường… Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là thiếu tiêu chí "phát triển xanh" phù hợp với quy hoạch của từng vùng. Để phát triển đô thị xanh, cần có 5 nhóm tiêu chí khung về kiến trúc xanh bao gồm: Địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên, năng lượng và công nghệ xanh; Chất lượng môi trường kiến trúc, môi trường đô thị; Tác động môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn; Giữ gìn, bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần