Tiêu chí nào để trở thành đô thị đáng sống trên thế giới?

NGUYỄN THU (THEO INHABITAT, ARCHITECTURE)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo The Urban Vision, một khu đô thị (KĐT) đáng sống phải là tổ hợp của khu dân cư đa chức năng, gồm khu vực dành cho việc cư trú, thương mại, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, trường học, không gian công cộng, không gian cây xanh và những diện tích phụ trợ khác.

Đối với nhiều nước, việc xây dựng KĐT đáng sống không bắt buộc phải dựa vào một bộ tiêu chuẩn nhất định hoặc có một KĐT kiểu mẫu để so sánh. Tuy nhiên, để trở thành một KĐT đáng sống theo đúng nghĩa thì nơi đó phải đáp ứng một số điều kiện nhất định về không gian, hạ tầng đồng bộ và sự tiện lợi của giao thông công cộng.
Theo The Urban Vision, một KĐT đáng sống phải là tổ hợp của khu dân cư đa chức năng, gồm khu vực dành cho việc cư trú, thương mại, buôn bán, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, trường học, không gian cộng đồng, không gian cây xanh và những diện tích phụ trợ khác.
Đặc biệt, KĐT đáng sống cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, như phần đường dành cho người đi bộ được thiết kế rộng rãi và không để bị lấn chiếm, hạn chế phương tiện cá nhân và thay thế bằng các phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó, KĐT này cũng phải hình thành không gian cây xanh và không gian cộng đồng phục vụ cư dân.
Trong khi đó, theo bộ tiêu chuẩn đánh giá của Tổ chức Quốc tế về Tiêu chuẩn hóa, chất lượng của một KĐT dựa trên các yếu tố cụ thể bao gồm: kinh tế, giáo dục, năng lượng, môi trường, tài chính, cứu hỏa - cấp cứu, chính quyền (đơn vị quản lý), sức khỏe, mức độ đáp ứng nhu cầu giải trí cho cư dân, sự an toàn, nhu cầu dân sinh, rác thải rắn, công nghệ và hệ thống liên lạc, giao thông vận tải, quy hoạch đô thị, nước thải, cung cấp nước và vệ sinh môi trường.
Trên thế giới hiện mới có London, New York, Tokyo, Hong Kong và Singapore xây dựng được những mô hình KĐT đáng sống, kiểu mẫu đáp ứng những yêu cầu này.

 London tham vọng trở thành đô thị tiên phong trong xây dựng thành phố thông minh.

Tại Nhật Bản, một KĐT được hình thành khi có ít nhất 50 nghìn người sinh sống với trên 60% các ngôi nhà được xây dựng trên khu vực không thuộc đất quy hoạch không gian cây xanh. Ngoài ra, nếu muốn được coi là một KĐT thì khu vực trên phải có trên 60% dân cư tham gia vào công việc sản xuất, buôn bán hoặc các loại hình thương mại khác.
Khoảng 30% dân số của Nhật Bản sử dụng tàu điện ngầm để đi làm, và thường sử dụng xe đạp đến nhà ga, vì vậy, tất cả các KĐT của Nhật Bản phải đầu tư xây dựng các khu vực trông giữ xe đạp để đáp ứng nhu cầu này.
Đô thị Yokohama là một trong những đô thị hiện đại nhất của Nhật Bản. Chính quyền Yokohama đã triển khai một loạt các dự án phát triển và các biện pháp điều tiết, nhằm bảo đảm có tính đồng bộ và nhất quán với nhau, thực hiện dài hạn cũng như có sự tham gia chủ động của người dân và khu vực tư nhân.
 Đô thị Yokohama là một trong những đô thị hiện đại nhất của Nhật Bản.
Nhờ đó, Yokohama đã thay đổi hoàn toàn từ một đô thị có môi trường sống suy thoái thành một đô thị đáng sống, thân thiện với môi trường, có cơ sở kinh tế vững mạnh.
Tại Ấn Độ, một KĐT phải có dân số ít nhất là 5 nghìn người, mật độ dân số khoảng 400-1.000 người/km2, và trên 3/4 lao động nam giới của KĐT đó phải làm các công việc ngoài ngành nông nghiệp.
Trong đó, Mumbai được coi là một trong những KĐT kiểu mẫu của Ấn Độ. KĐT tại Mumbai có số lượng người sử dụng giao thông công cộng và đi bộ đến nơi làm việc nhiều nhất ở Ấn Độ bởi người dân có thể dễ dàng tiếp cận hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, lòng đường tại Mumbai được quy hoạch rộng để hạn chế tối đa tình trạng tắc đường, nhờ đó giảm chi phí bảo trì đường sá bên trong KĐT. Vỉa hè của các con đường thông thoáng và hoàn toàn không có sự xuất hiện của việc lấn chiếm vì các tòa nhà đều phải xây dựng khu vực để xe dưới hầm.
Tại Colombia, KĐT Bogota, một trong 100 KĐT được coi là đáng sống nhất trên thế giới theo tạp chí Famous Wonder, vào mỗi chủ nhật, chính quyền thành phố đều cấm xe lưu thông trong 7 tiếng đồng hồ để tạo ra không gian đi bộ, đi xe đạp, vui chơi, nhảy múa và các hoạt động xã hội cho hơn 1,5 triệu dân cư. KĐT Bogota thực hiện quy định này từ những năm 1970, nhờ đó nơi đây trở thành một mô hình kiểu mẫu cho nhiều KĐT trên thế giới.
 Khu đô thị Bogota trở thành một mô hình kiểu mẫu cho nhiều KĐT trên thế giới.
Ở châu Âu, diện tích tối thiểu của một KĐT phải đạt khoảng 20ha, dân số không dưới 2 nghìn người. Cơ sở hạ tầng giao thông như bến xe, trạm tàu điện ngầm, đường cao tốc... đều phải được xây dựng và kết nối với khu vực dân cư trong vòng bán kính dưới 200m.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần