Tiêu chí tuyển sinh phải căn cứ vào nhu cầu thị trường lao động

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay 13/3, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT Quy định về việc xác định chỉ tiêu (CT) tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học (ĐH), thạc sĩ, tiến sĩ. Trong 3 tiêu chí để xác định CT tuyển sinh ĐH, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh đến yếu tố căn cứ vào nhu cầu lao động.

Thông tư quy định, kể từ ngày 15/4/2018, tiêu chí xác định CT tuyển sinh chính quy của cơ sở giáo dục được tính trên 3 yếu tố: Tiêu chí số sinh viên chính quy trên một giảng viên quy đổi theo từng khối ngành của cơ sở giáo dục. Tiêu chí diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục tính trên một sinh viên (SV) chính quy của các hạng mục công trình. Cũng như yêu cầu về chủng loại, số lượng học liệu, trang thiết bị tối thiểu theo yêu cầu của chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học. Và, tiêu chí nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu cơ sở đào tạo xác định CT tuyển sinh phải căn cứ nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương và của ngành.
Về xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy, Thông tư quy định: CT tuyển sinh ĐH chính quy hàng năm được tính trên tổng quy mô đào tạo chính quy xác định theo năng lực, đáp ứng đồng thời các tiêu chí quy định tại Thông tư này trừ đi tổng quy mô SV chính quy đang đào tạo tại trường và cộng thêm số SV dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm tuyển sinh.
Thí sinh đang được tư vấn lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích.
Riêng, đối với ngành đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Điều 52, Luật Giáo dục ĐH và có nghị quyết thông qua chủ trương xác định CT tuyển sinh của hội đồng trường, hội đồng quản trị thì được tự chủ xác định CT tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó. Nhưng, phải đáp ứng điều kiện không vượt quá 120% CT đào tạo của năm trước liền kề. Cũng như, phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền.
Thông tư cũng nêu rõ, cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thì không tăng CT tuyển sinh so với năm trước liền kề (trừ ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh).
Đối với đào tạo liên thông đại học chính quy, CT tuyển sinh được xác định theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31/5/ 2017 của Thủ tướng Chính phủ về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ ĐH.
Thông tư nhấn mạnh, cơ sở giáo dục xác định CT tuyển sinh ĐH chính quy công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về CT tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.
Thông tư cũng quy định cách xác định CT tuyển sinh ĐH, cao đẳng, trung cấp các ngành đào tạo giáo viên hình thức đào tạo chính quy căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo và địa chỉ sử dụng nhân lực sau khi đào tạo của địa phương, của các tổ chức giáo dục. Trong đó, phải đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực các ngành đào tạo giáo viên của cơ sở giáo dục theo quy định tại Điều 6 của Thông tư.
Đối với giáo dục thường xuyên, CT tuyển sinh của mỗi trình độ đào tạo được xác định không vượt quá 30% CT tuyển sinh hình thức đào tạo chính quy của trình độ tương ứng.
Căn cứ quy định tại Thông tư này, các cơ sở giáo dục có ngành đào tạo giáo viên tự xác định và đăng ký CT tuyển sinh hàng năm với Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT thông báo CT tuyển sinh theo ngành, hình thức và trình độ đào tạo cho cơ sở giáo dục có ngành đào tạo giáo viên.
Đối với một số trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, quyết định giao nhiệm vụ đào tạo.